Nhiều doanh nghiệp vận tải đang cận kề phá sản

Doanh nghiệp vận tải hiện đang cận kề phá sản, đối mặt với các khoản nợ gia tăng 

Qua 4 đợt dịch, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều gần như kiệt quệ. Doanh nghiệp nào may mắn, hoạt động cầm chừng thì doanh thu cũng giảm đến 80%. Đối với doanh nghiệp vận tải hành khách thì giãn cách đồng nghĩa doanh thu bằng không.

Trong khoảng 2 tháng áp dụng Chỉ thị 16, hơn 20.000 xe taxi và hơn 10.000 phương tiện vận tải hành khách ở Hà Nội đều nằm đắp chiếu. Theo đó hàng chục nghìn lái xe không có việc làm, không thu nhập.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho hay đến thời điểm hiện nay các doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào.

“Sức ép trả lãi ngân hàng, kể cả cho chậm trả nhưng vẫn phải trả lãi gộp, doanh nghiệp đang tính phương án bán xe để cắt lỗ… Lái xe nghỉ về quê kiếm sống, nếu như mở trở lại cũng phải mất hàng tháng mới hoạt động ổn định”, ông Nguyễn Công Hùng cho biết thêm.

Trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương vẫn có một lượng nhỏ taxi được hoạt động. Với việc thực hiện nghiêm các biện pháp 5k, xe taxi được thiết kế thêm vách ngăn, nên trong đợt dịch vừa qua không có bất cứ lái xe nào bị nhiễm Covid-19. Đây cũng là kinh nghiệm thực tiễn để Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh trong vận tải hành khách trước diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, khó lường.

Từ đầu năm đến nay, sản lượng của doanh nghiệp vận tải, bến xe đều không đạt so với kế hoạch đưa ra. Theo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, thời gian qua vận tải hành khách hoạt động chỉ đạt 20% so với trước dịch, vận tải hàng hóa chỉ đạt 40% so với năm trước.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, một số chính sách đã ban hành thời gian qua nhưng các doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Đơn cử, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 112/2020 về giảm phí sử dụng đường bộ nhưng các nhà đầu tư BOT không thực hiện, doanh niệp vận tải khó tiếp cận được Nghị quyết 68 của Chính phủ. Vì vậy theo ông Nguyễn Văn Quyền, thời gian tới Chính phủ cũng cần có quy định giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ôtô về 0%, cho phép tăng thời gian của chu kỳ kiểm định xe kinh doanh taxi..

“Cách phòng chống dịch ở các địa phương khác nhau nên rất khó cho vận tải hành khách. Chính phủ cần ở quy định thống nhất để cùng thực hiện. Địa phương chỉ có quy định riêng ở trong tỉnh mình ở một số lĩnh vực… còn nên có quy định thống nhất chung thì vận tải khách mới có thể hoạt động trở lại”, ông Nguyễn Văn Quyền nêu thêm.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch COVID-19. Tuy nhiên, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần thực hiện khẩn trương, nhanh chóng, nếu không phương án bán xe, trả nợ sẽ là sự lựa chọn “cực chẳng đã” của các doanh nghiệp vận tải.

Theo VOV.1

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo