Thép Pomina (POM) đã công bố Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất soát xét bán niên 2021, ghi nhận doanh thu hơn 6.527 tỉ đồng, giảm so với con số tự lập hơn 6.527 tỉ đồng. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận ròng, Công ty thu về khoảng 195 tỉ đồng, giảm so với số tự lập.
Dù vậy, tại BCTC soát xét kỳ này, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh về khoản nợ phải trả ngắn hạn của công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn số tiền hơn 350 tỉ đồng tại thời điểm 30.6.2021. Điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của POM.
Trường hợp đáng chú ý nhất là trong báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ vừa được công bố của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đã nhấn mạnh về khoản lỗ lũy kế 7.371 tỉ đồng của công ty tại thời điểm 30.6.2021. Ngoài ra, tại ngày này, HAGL cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay.
Cụ thể, trong khoản vay trái phiếu trị giá 5.876 tỉ đồng tại BIDV sẽ đáo hạn vào 30.12.2026, công ty có thế chấp 4.852 ha cao su và 7.102 ha cọ dầu. Tuy nhiên, tại thời điểm 30.6.2021, diện tích trồng cao su và cọ dầu thực tế đang thấp hơn cam kết trong hợp đồng tín dụng. Cũng tại thời điểm này, HAGL chưa tiến hành thanh toán lãi vay phải trả đã đến hạn tại ngày 3.6.2021 với tổng giá trị là 1.483 tỉ đồng.
Tương tự, trong số các tài sản thế chấp cho 2 khoản vay dài hạn tại Eximbank sẽ đáo hạn vào 31.12.2024, có bao gồm đàn bò của công ty. Tuy nhiên, hiện HAGL đã thanh lý toàn bộ số lượng bò nên không đảm bảo số lượng bò theo quy định của hợp đồng tín dụng.
Theo Công Ty Ernst & Young, những yếu tố kể trên cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HAGL.
Hay như Báo cáo tài chính tổng hợp giữa niên độ 2021 của Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOS) đang phản ánh số lỗ lũy kế là 699 tỉ đồng, nợ quá hạn là 520 tỉ đồng. Theo Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC, các nội dung này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của VOS. Tất nhiên, các doanh nghiệp trên đều đã có ý kiến giải trình và khẳng định hoạt động kinh doanh vẫn là bình thường.
Ngoài ra, cũng xuất hiện nhiều báo cáo lợi nhuận điều chỉnh sau soát xét. Ở chiều thuận lợi, có nhiều doanh nghiệp điều chỉnh tăng lợi nhuận sau soát xét. Ở chiều ngược lại, có nhiều doanh nghiệp làm nhà đầu tư ám ảnh khi chuyển từ lãi sang lỗ với con số không hề nhỏ.
Đáng chú ý nhất là báo cáo soát xét của Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sau soát xét giảm hơn 169 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ 12% so với báo cáo tự lập. Nguyên nhân chênh lệch chủ yếu đến từ chi phí tài chính tăng gấp 2,4 lần so với tự lập, lên hơn 112 tỉ đồng. Cụ thể, báo cáo soát xét ghi nhận thêm 65,6 tỉ đồng lỗ do pha loãng giá trị khoản đầu tư tài chính.
Ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư Quỹ DG Investment nhận xét, đối với thị trường chứng khoán, những trường hợp bị điều chỉnh giảm vẫn được chú ý nhiều hơn bởi sự nhạy cảm hơn với yếu tố trung thực của lãnh đạo doanh nghiệp. Trong trường hợp lợi nhuận tăng, chênh lệch được cho là đến từ sự thận trọng của doanh nghiệp, nhưng với trường hợp lợi nhuận giảm hoặc lỗ nặng thêm thì nguyên nhân chính là kiểm toán không đồng ý với một số hạch toán của doanh nghiệp.
Mặc dù lâu nay lý do bào chữa cho sự khác biệt này vẫn là từ chính sách hạch toán, kế toán khác nhau nhưng không có nghĩa sai biệt hoàn toàn do khách quan. Từ đây dấy lên nghi vấn về trường hợp cố tình vi phạm chuẩn mực kế toán, hoặc lựa chọn phương án có lợi hơn để “làm đẹp báo cáo” – ông Duy Phương nêu quan điểm.