Theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt khu vực phía Nam của Bộ Công Thương, tại tỉnh Tiền Giang: Thực hiện Công văn số 6526/UBND-KT ngày 28/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc hướng dẫn thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid 19 trong tình hình mới. Tính đến ngày 24/11, có tổng 142/186 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được hướng dẫn, góp ý để thông qua phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch (chiếm 76,3%) với tổng số lao động đang thực hiện là 78.160 người (chiếm 71,6%).
Trong đó, có 124 doanh nghiệp hoạt động theo phương án tổ chức cho người lao động đi về hàng ngày với 71.996 người; 16 doanh nghiệp hoạt động theo phương án 3 tại chỗ với 5.456 người; 02 doanh nghiệp hoạt động theo phương thức kết hợp 3 tại chỗ và đi, về hàng ngày với 708 người.
Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 182/897 doanh nghiệp, hợp tác xã ngoài khu, cụm công nghiệp đang hoạt động (chiếm 20,29%), bao gồm: 158 doanh nghiệp hoạt động theo phương án tổ chức cho người lao động đi, về hàng ngày với 15.013 lao động; 19 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với 265 lao động; 05 doanh nghiệp hoạt động theo phương án kết hợp 3 tại chỗ và đi về hàng ngày với 134 lao động.
Tại tỉnh Đồng Nai: Hiện các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp trên địa bản tỉnh Đồng Nai vẫn thực hiện các phương án duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất được quy định tại Chỉ thị 20/CT-UBND ngày 23/10/2021 của UBND tỉnh về các biện pháp tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Trong đó, tại các khu công nghiệp: tính đến ngày 22/11/2021, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là 1.685/1.705 (đạt tỷ lệ 99%) với tổng số lao động đang làm việc là 540.609/614.873 người (đạt tỷ lệ 88%).
Số dự án vẫn đang tạm ngưng hoạt động là 20 dự án, tổng số lao động chưa làm việc là 74.264 người.
Ngoài Khu công nghiệp: Tính đến ngày 22/11/2021, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động ngoài khu công nghiệp là 404 cơ sở với tổng số lao động đang làm việc là 73.555 người. Trong đó, số doanh nghiệp có trên 100 lao động (thuộc thẩm quyền chấp thuận của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) đăng ký hoạt động lại sau Chỉ thị 20/CT-UBND là 212/254 doanh nghiệp (đạt tỷ lệ 83,5%), 64.840/98.897 lao động (đạt tỷ lệ 65,6%). Số doanh nghiệp có dưới 100 lao động được UBND các huyện, thành phố phê duyệt là 192 doanh nghiệp, 8.715 lao động.
Tại tỉnh Đồng Tháp: Hiện tai, các doanh nghiệp xây dựng các phương án phù hợp với khả năng, điều kiện để tổ chức tuyển dụng lao động và dần dần khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, gần đây tình hình ca nhiễm có dấu hiệu tăng trở lại làm ảnh hưởng đến việc triển khai kế hoạch sản xuất của Doanh nghiệp.
Từ ngày 10/11/2021 đến ngày 17/11/2021, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp khôi phục hoạt động tăng từ 253 doanh nghiệp lên 260/431 doanh nghiệp (tăng 07 doanh nghiệp) đạt 65% so với kế hoạch đến cuối năm. 400 doanh nghiệp hoạt động với lao động tăng từ 46.498 lên 46.703/54.116 lao động (tăng 250 lao động), đạt 103,78% so với kế hoạch đến cuối năm có 45.000 lao động làm việc.
Trong đó số doanh nghiệp đang hoạt động trong Khu công nghiệp là 32 doanh nghiệp, với 12.301 lao động; trong cụm công nghiệp là 27 doanh nghiệp, 14.954 lao động; ngoài khu và cụm công nghiệp là 201 doanh nghiệp, 19.448 lao động.
Tại tỉnh Bình Dương: Trên địa bàn tỉnh có 4.197 doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình 03 tại chỗ, 1 cung đường 2 địa điểm, 03 xanh, 03 xanh linh hoạt với 5.45.889 lao động.
Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp: Hiện có khoảng 2.195 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 90,2%) với tổng số 406.768 lao động (chiếm 85%) đăng ký và hoạt động sản xuất theo phương án 03 tại chỗ, 03 xanh và 03 linh hoạt.
Các doanh nghiệp sản xuất trong Cụm công nghiệp: Hiện có 83/83 doanh nghiệp (đạt 100%) đang hoạt động theo mô hình sản xuất “03 xanh” với tổng số lao động là 17.713 công nhân.
Doanh nghiệp sản xuất bên ngoài Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp: số doanh nghiệp đăng ký và hoạt động là 1.920 doanh nghiệp đăng ký phương án với 126.514 người lao động, trong đó có 155 doanh nghiệp đăng ký 3 xanhv ới số lao động là 22.088 người.
Về công tác thành lập Trạm y tế lưu động: Đến nay, đã thành lập 05 Trạm y tế tại các cụm công nghiệp: Phú Chánh 1, Uyên Hưng, Tân Thành, Thành phố Đẹp; Cụm công nghiệp Tam Lập. Riêng Cụm công nghiệp Thanh An thành lập 01 Tổ Y tế lưu động. Sở Công Thương đã hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư các cụm công nghiệp triển khai quy trình, thủ tục đề nghị UBND huyện thành lập các Trạm Y tế tại các Cụm công nghiệp.
Tại tỉnh Bạc Liêu: Trong việc sản xuất, kinh doanh: doanh nghiêp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các địa phương cấp độ dịch cấp 3, cấp 4 người đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng, người được tiêm đủ 02 liều vắc xin hoặc người đã tiêm 01 liều vắc xin trên 14 ngày thì mới tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp người được tiêm 01 liều vắc xin dưới 14 ngày thì chỉ được tham gia hoạt động theo phương án “03 tại chỗ”, những người chưa tiêm vắc xin thì không được tham gia hoạt động.
Công tác tiêm vắc xin tại địa phương được triển khai nhanh nên người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở xản xuất kinh doanh đủ điều kiện trở lại hoạt động tăng nhiều, hiện có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã triển khai hoạt động lại trên cơ sở tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.
Tính đến ngày 26/11 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu vẫn còn 13 doanh nghiệp ngưng hoạt động do chưa đủ điều kiện phòng chống dịch theo quy định để tổ chức sản xuất kinh doanh; có 04 Công ty, doanh nghiệp thực hiện tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”.
Theo đánh giá của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương và các hiệp hội ngành hàng, nhìn chung các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả rất lớn trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tác động tích cực nêu trên thể hiện ở việc hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2021 đã có những dấu hiệu phục hồi khi chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 6,9% so với tháng trước. Đặc biệt, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da – giày, điện tử được các hiệp hội dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 tăng khá cao so với năm 2020, khi các DN dần được tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn.
Tuy nhiên, đại diện Cục Công nghiệp cho rằng, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Những nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung lao động có thể trở lại với doanh nghiệp, nếu Nhà nước không có các biện pháp kịp thời để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Do vậy, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng đề xuất các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP theo hướng trợ lực, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể là các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm về sản xuất, có tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp để nhanh chóng kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Theo Tạp chí Công thương