Dự án Mai Sơn – QL45 chậm tiến độ so với kế hoạch đã đề ra do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-1
Báo cáo tại Hội nghị giao ban trực tuyến tình hình công tác tháng 8 và triển khai nhiệm vụ tháng 9/2021 của Bộ GTVT diễn ra chiều 27/8, đại diện Vụ Kế hoạch – Đầu tư cho biết, đến hết tháng 8/2021, Bộ GTVT đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn so với bình quân chung cả nước và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 (52/48,4%). Tuy nhiên, giá trị giải ngân chủ yếu vẫn là ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước. Phần giải ngân khối lượng thi công còn thấp.
Khó khăn trăm bề vì dịch bệnh
Về việc thi công các dự án giao thông, các Ban quản lý dự án (QLDA) đều cho biết, khó khăn nhất hiện nay là việc thi công ở các địa phương dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Việc đưa nhân lực, vận chuyển máy móc, vật tư đến công trường rất khó khăn. Thậm chí, có công trường phải nghỉ vì có người liên quan đến F0.
Đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cũng nhìn nhận, từ nay đến cuối năm 2021, các chủ đầu tư, ban QLDA phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn đặc biệt khó khăn trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mùa mưa bão cuối năm…sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Cụ thể, đối với 11 Dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, mặt bằng bàn giao được 641,8/652,86 km (đạt 98,3%), chưa đáp ứng tiến độ hoàn thành chủ yếu do vướng mắc công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn 6 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai ). Hiện, 10/11 dự án đang triển khai; còn lại dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo dự kiến khởi công tháng 9/2021.
Trong 10 dự án đang thi công, có 2 dự án đáp ứng tiến độ (Cao Bồ – Mai Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2); 4 dự án (Đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt; QL45 – Nghi Sơn; Nghi Sơn-Diễn Châu; Nha Trang – Cam Lâm) mới khởi công; còn 4 dự án (Mai Sơn – QL45; Cam Lộ – La Sơn; Vĩnh Hảo – Phan Thiết; Phan Thiết – Dầu Giây) tiến độ chậm so với kế hoạch.
Nguyên nhân chậm tiến độ ở 4 dự án trên được đại diện các Ban QLDA báo cáo do vướng mặt bằng, ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số công nhân mắc bệnh khiến nhiều gói thầu phải tạm dừng thi công để thực hiện xét nghiệm. Thêm vào đó, các dự án đa số đều nằm trên địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên gặp khó khăn trong việc tập kết máy móc, thiết bị, bổ sung nhân lực, khó khăn vật liệu đất đắp như tỉnh Bình Thuận đang giãn cách xã hội ảnh hưởng đến dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây,…
Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ mới chỉ được bàn giao 21,2/22,97 km mặt bằng (đạt 92,3%), triển khai thi công 3/3 gói thầu, tiến độ đạt 11,8% giá trị hợp đồng, chậm 3% so với kế hoạch.
Ở nhóm các dự án ODA đang triển khai thi công, trong đó, dự án tăng cường kết nối Tây Nguyên mới khởi công tháng 6/2021 đang đáp ứng tiến độ. Dự án Cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long sản lượng đạt 95% khối lượng, tuy nhiên phải tạm dừng thi công từ giữa tháng 7/2021 do dịch ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Dự án nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hiện đã hoàn thành công tác xây dựng đường CHC 1B và nghiệm thu, dự kiến đưa đường cất hạ cánh (CHC) 1B vào khai thác từ ngày 9/9 tới đây theo đúng kế hoạch. Đường CHC 1A sẽ được đóng cửa từ ngày 1/10/2021 để thi công và hoàn thành dự án trước Tết Nguyên đán 2022.
Dự án nâng cấp đường CHC và đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tạm dừng thi công từ ngày 5/8/2021 do có ca nhiễm COVID-19 và được thi công trở lại từ ngày 24/8. Tiến độ nhập khẩu thiết bị và viết phần mềm điều khiển đang bám sát kế hoạch.
Lập Tổ công tác đặc biệt đôn đốc thi công các công trình trọng điểm
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ không hài lòng với kết quả giải ngân vốn xây dựng cơ bản, khi bình quân toàn ngành đến nay mới đạt 52% kế hoạch cả năm. Trong đó, một số dự án có tiến độ giải ngân đáng lo ngại.
“Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1082 ngày 16/8 về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, Bộ đã có nhiều văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tăng cường các mũi thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021. Tuy nhiên, tiến độ thi công một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, chậm so với kế hoạch đề ra.
Dịch bệnh đang diễn biến khó lường, nếu các dự án không triển khai quyết liệt sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Từng đơn vị, Ban QLDA phải khẩn trương hơn. Bộ GTVT sẽ lập Tổ công tác đặc biệt để đôn đốc, kiểm tra các dự án chấn chỉnh công tác thi công, giải ngân. Đồng thời, Bộ sẽ tiến hành điều chuyển lãnh đạo Ban QLDA, giám đốc công trường tại các dự án chậm tiến độ”, Bộ trưởng Bộ GTVT nói.
Đối với công tác bảo đảm lưu thông hàng hóa, Bộ trưởng nhìn nhận, một số điểm nóng ùn tắc vận tải hàng hóa trên đường bộ, gây ách tắc lưu thông do một số địa phương có quy định riêng, không đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Để xử lý việc này, Bộ GTVT đã lập Tổ công tác đặc biệt túc trực thường xuyên ở phía nam để kịp thời giải quyết, tháo gỡ lưu thông vận chuyển hàng hóa và ban hành quy trình vận tải đường bộ tạm thời.
Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải rút kinh nghiệm, cần phân công lãnh đạo đến các địa phương đang gặp khó khăn trong lưu thông để giải quyết công việc, nắm tình hình thức tế, địa phương nào có vướng mắc cần báo cáo để khẩn trương xử lý, tháo gỡ kịp thời.
Trước đó, Chánh Văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp tại TPHCM và các tỉnh, thành phố khu vực phía nam, Bộ GTVT đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục triển khai thực hiện và kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về quản lý hoạt động vận tải, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt.
Bên cạnh đó, để tăng cường chỉ đạo hiệu quả hơn nữa trong công tác vận tải, Bộ trưởng đã kiện toàn lại Tổ công tác đặc biệt của Bộ, trong đó phân công các đồng chí Thứ trưởng thực hiện quyền hạn của Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ.
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT đã rà soát, kiến nghị các cấp có thẩm quyền phương án cắt, giảm các loại phí, lệ phí, giá dịch vụ quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện tham gia kinh doanh dịch vụ vận tải trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Chinhphu.vn