Mắc ca của nhiều HTX, doanh nghiệp Đắk Nông chưa đủ số lượng xuất khẩu
Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng mắc ca thế giới cao gấp 4 lần so với tổng sản lượng nên dư địa cho xuất khẩu sản phẩm này còn rất lớn. Trong đó, các thị trường có tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hà Lan, Đức đang rất ưa chuộng loại mặt hàng này.
Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Đề án phát triển bền vững mắc ca, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Đề án hướng đến phát triển mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Mục tiêu đặt ra, sản lượng mắc ca qua chế biến sẽ đạt khoảng 130 ngàn tấn hạt vào năm 2030 và đạt 500 ngàn tấn vào 2050. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 400 triệu USD vào năm 2030 và đạt 2,5 tỷ USD vào 2050.
Về quy mô diện tích, dự kiến đến năm 2030 cả nước đạt từ 130 – 150 ngàn ha và tập trung chủ yếu ở các vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên. Riêng Tây Nguyên khoảng 45 ngàn ha, chủ yếu phân bổ 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum.
Theo Bộ NN-PTNT, đến tháng 5/2021, cả nước có khoảng 28 tỉnh trồng mắc ca với tổng diện tích khoảng trên 18 ngàn ha. Sản lượng mắc ca của cả nước gần 8,5 ngàn tấn.
Đắk Nông là một trong những địa phương trồng nhiều mắc ca. Hiện nay, tỉnh có gần 2.800 ha mắc ca, tập trung chủ yếu ở các huyện Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong. Diện tích chủ yếu là trồng xen, chỉ có trên 500 ha trồng thuần. Hầu hết diện tích mới bước vào giai đoạn thu bói, hoặc bắt đầu thu chính, năng suất đạt mức khá, khoảng 1 tấn khô/ha.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, HTX đã thực hiện việc liên kết thu mua sản phẩm, chế biến. Các cơ sở đẩy mạnh đưa sản phẩm đi chào hàng, quảng bá tại các hội nghị, hội chợ, triển lãm, đầu mối tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm mắc ca của Đắk Nông ngày càng được nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc nên nhiều người biết đến.
Tuy nhiên, sản lượng còn ít, vì thế chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, một số phục vụ việc xuất khẩu nhưng theo hình thức gom hàng cho đối tác xuất khẩu trực tiếp.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Macca Sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa) cho biết: Đơn vị đã 3 lần nhận sản xuất, đóng gói mắc ca theo bao bì, lô gô phục vụ xuất khẩu cho 2 đối tác lớn tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội. Sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất. Tuy nhiên, Công ty chưa có đủ tiềm lực để xuất khẩu trực tiếp. Nguyên nhân chính không phải sản phẩm chưa đạt chất lượng mà do nguồn hàng không đủ số lượng.
Cũng theo bà Hương, yêu cầu để xuất khẩu trực tiếp là 1 tháng từ 1-2 container, mà mỗi container lượng hàng ít nhất từ 2 tấn trở lên. Điều này đối với doanh nghiệp là chưa thể đáp ứng.
Bà Hương nhấn mạnh: “Cơ hội xuất khẩu mắc ca trực tiếp hiện rất lớn. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu lớn để tạo nguồn cung ổn định. Việc đầu tư nhà máy, dây chuyền chế biến theo các tiêu chuẩn cao hơn đáp ứng yêu cầu cơ sở đóng gói đang được công ty triển khai”.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Long Việt, đơn vị đang sản xuất mắc ca tại Tuy Đức, xuất khẩu đang là cơ hội lớn để nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu tại các thị trường khó tính cũng không phải dễ dàng. Cả người trồng, doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều quy trình, quy định của đối tác. Thực tiễn sản xuất của đa số người dân cho thấy mới chỉ hướng tới các tiêu chuẩn chứ chưa được chứng nhận như VietGAP, Globalgap, oganic…
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN- PTNT, thời gian qua, UBND tỉnh, các cơ quan chuyên ngành đã và đang có những hoạt động để phát triển, khẳng định thêm giá trị của cây mắc ca.
Nhiều hoạt động tăng cường phối hợp với Hiệp hội mắc ca, các viện, trường, doanh nghiệp được đẩy mạnh nhằm đánh giá hiệu quả bước đầu cây mắc ca gắn với mỗi tiểu vùng khí hậu. Ðặc biệt, công tác giống được tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao nhằm tìm ra bộ giống mắc ca phù hợp, cho năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu chống chịu sâu hại, dịch bệnh.
Theo Báo Đắk Nông