Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 18 là hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác các dự án đã chấp thuận đầu tư tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm
Ngày 25/7, Tỉnh uỷ Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 18-NQ-/TU về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 16/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh (viết tắt là Nghị quyết số 07-NQ/TU); cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ, nên du lịch từng bước khẳng định là ngành kinh tế động lực của tỉnh: Tỷ trọng ngành du lịch – dịch vụ trong GRDP toàn tỉnh đến cuối năm 2021 đạt 38,8%. Giai đoạn 2016 – 2020, tổng thu từ khách du lịch là 52.164 tỷ đồng, chiếm 2% doanh thu từ hoạt động du lịch của cả nước; mức tăng trưởng du khách bình quân là 8,9%/năm; thu hút lao động trực tiếp phục vụ ngành du lịch khoảng 13 ngàn người…
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại: Một số chỉ tiêu về lượng khách du lịch, số phòng đạt chuẩn cao cấp, ngày lưu trú bình quân chưa đạt yêu cầu; hạ tầng, dịch vụ, nguồn lực… phục vụ du lịch Đà Lạt hiện đang thiếu và chưa đồng bộ… Vì vậy, Tỉnh uỷ Lâm Đồng tiếp tục ban hành Nghị quyết số 18, nhằm phát triển du lịch Lâm Đồng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành du lịch Việt Nam và vùng Tây Nguyên; đồng thời, phù hợp với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phát triển du lịch Lâm Đồng theo hướng chất lượng cao, xây dựng TP Đà Lạt trở thành đô thị du lịch, thực hiện tốt cơ chế, chính sách về phát triển du lịch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi cho phát triển du lịch; đồng thời, tạo động lực phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về du lịch, gắn với bảo tồn các giá trị tự nhiên, môi trường sinh thái và truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong GRDP của tỉnh; tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao, mang thương hiệu du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng, góp phần tạo việc làm, nâng cao sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân, gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương, khu vực kém phát triển, thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực kinh tế – xã hội khác cùng phát triển…
Nghị quyết 18 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp với 25 nội dung trong tâm để phát triển du lịch Lâm Đồng – Đà Lạt dựa trên nội lực, sức mạnh tổng hợp các ngành kinh tế và sự tham gia tích cực của người dân; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, đầu tư, xây dựng, xúc tiến và kinh doanh du lịch với đa dạng loại hình, sản phẩm; chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang tính đặc thù và lợi thế của tỉnh. Ưu tiên quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển các dự án du lịch có quy mô lớn; thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, kinh nghiệm và thương hiệu trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.
Theo LĐ online