Một góc thành phố Vinh hôm nay. (Ảnh: DŨNG NGHỆ)
Với quá trình liên tục, bền bỉ đổi mới, sáng tạo nhiệm kỳ 2020-2025 tỉnh Nghệ An tập trung vào xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện các đột phá phát triển kinh tế-xã hội, trong đó tập trung vào phát triển công nghiệp và hệ thống kết cấu hạ tầng; nông nghiệp, nông thôn; du lịch, dịch vụ và thương mại; kinh tế biển và vùng ven biển; các vùng trọng điểm và hệ thống đô thị; hoàn thiện cơ chế chính sách và phát triển doanh nghiệp. Nghệ An đã và đang ghi những dấu ấn trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh khá của khu vực phía bắc.
Những ngày đầu tháng 5, con tàu container quốc tế Biển Đông Mariner trọng tải hơn 23.000 tấn cập cảng Cửa Lò, xếp dỡ và vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài. Giờ đây với hệ thống thiết bị xếp dỡ tiên tiến, kho bãi hiện đại cảng Cửa Lò đủ năng lực tiếp nhận tàu biển trọng tải từ 10.000 tấn đến 30.000 tấn. Lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam khẳng định: Từ đây cảng Cửa Lò là đầu mối vận tải hàng hóa và dịch vụ logistics quan trọng nhất ở khu vực Bắc Trung Bộ, góp phần tăng trưởng kinh tế của Nghệ An và khu vực, mở ra hướng phát triển mới cho vận tải biển Việt Nam và thiết lập nhiều tuyến vận tải từ khu vực miền trung Việt Nam đến các cảng trên thế giới.
Mới đây, tỉnh Nghệ An đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần 2 cho Công ty Goertek Vina. Với số vốn đầu tư 500 triệu USD, năm 2022, dự án sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động tại Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 Nghệ An, dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động. Dự án Goertex Vina là dự án FDI lớn nhất ở tỉnh đến thời điểm hiện nay.
Về phát triển giao thông đường bộ, hiện đường ven biển và đường cao tốc bắc-nam đang thi công, khi hoàn thành giúp mật độ giao thông quốc lộ 1A và khu vực Khu kinh tế Đông Nam được giảm tải mạnh. Đường cao tốc bắc-nam, đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt dài khoảng 50 km, đi qua 2 tỉnh Nghệ An (44,4 km) và Hà Tĩnh (4,9 km) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự án đường ven biển đi qua năm địa phương gồm thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, huyện Diễn Châu, huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò với quy mô đường cấp III, nền đường 12 m, tổng chiều dài hơn 64 km, có tổng mức đầu tư 4.651 tỷ đồng được cam kết giải ngân hết trong năm 2022.
Như vậy về logistics giao thông, Nghệ An hội tụ đủ cảng biển, sân bay, giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, giao thông trong khu kinh tế đang được đầu tư “mở hành lang” phục vụ các điều kiện cần thiết đón đợi nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Về nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu chia sẻ, trong điều kiện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, dịch Covid-19, năm qua các chỉ tiêu cơ bản của nông nghiệp tỉnh vẫn hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch; cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp đạt gần 5,6%, cao nhất từ trước tới nay và cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ. Nghệ An đã có 300 trong tổng số 411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huyện Nam Đàn quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh đang trong lộ trình trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch vào năm 2025.
Lĩnh vực phát triển đô thị ở tỉnh ghi nhận sự chuyển động mạnh mẽ. Thị xã Hoàng Mai nhiều năm gần đây ưu tiên dồn sức cho công tác xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Hoàng Mai, Đàm Hữu Hồng nhìn nhận, quá trình này với chủ trương đúng, biện pháp phù hợp, tạo đồng thuận cao trong toàn xã hội sẽ tạo nguồn lực vô cùng quan trọng để thị xã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua của thị xã đạt hơn 66.400 tỷ đồng. Đến nay thị xã Hoàng Mai đã tạo dựng diện mạo đô thị mới phát triển, phấn đấu trở thành đô thị loại III.
Hiện tỉnh cũng đang trong quá trình xây dựng, triển khai đề án mở rộng không gian thành phố Vinh gắn với thực hiện chủ trương của Trung ương về sáp nhập đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy cấp huyện, cấp xã. Bí thư Thành ủy Vinh, Phan Đức Đồng trao đổi, nêu rõ giải pháp, những bước đi mạnh mẽ, chủ động trong tham mưu mở rộng đô thị, địa giới hành chính thành phố Vinh cùng lộ trình tạo đột phá về kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính. Thành phố đang trong quá trình “tăng tốc” kiến tạo đô thị thông minh, đô thị xanh, sạch, đẹp.
Một tín hiệu vui, từ tháng 5 này, lượng khách du lịch từ các tỉnh đổ về các điểm du lịch Nghệ An miền tây xứ Nghệ, du lịch sinh thái trải nghiệm, du lịch cộng đồng tăng nhanh… Tỉnh đang hoàn thiện tour Cửa Lò-thành phố Vinh-Nam Đàn với các sản phẩm mới, các điểm đến an toàn nhằm tăng thời gian lưu trú của khách du lịch tại Nghệ An, phấn đấu trong năm 2022 đón và phục vụ 3,3 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế.
Động lực từ mục tiêu và phong cách lãnh đạo
Trong nhiều nhiệm kỳ, Nghệ An hướng mạnh vào mục tiêu trở thành tỉnh khá của khu vực phía bắc. Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện 5 nhóm chương trình, 21 đề án trọng điểm. Trong đó là Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; 11 nghị quyết, đề án, kế hoạch về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện các đột phá phát triển kinh tế; 3 nghị quyết, đề án về phát triển văn hóa-xã hội; 2 nghị quyết, đề án về quốc phòng-an ninh; 4 nghị quyết, đề án về xây dựng đảng và hệ thống chính trị.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Thái Thanh Quý trao đổi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan của Đảng, các cấp ủy xây dựng chương trình kế hoạch hành động theo tinh thần đổi mới, khả thi và hiệu quả. Chương trình cùng kết quả thực hiện Nghị quyết, đề án là cơ sở để kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của mỗi cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và cá nhân người đứng đầu hằng năm, cả nhiệm kỳ.
Phát triển kinh tế-xã hội địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trọng tâm công tác của tỉnh. Mới đây Đoàn công tác của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tiến hành kiểm tra việc thực hiện các chương trình, đề án nhiệm kỳ tại huyện Tân Kỳ. Huyện đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế mới, hiệu quả, là một điểm sáng trong việc thực hiện các chương trình đề án phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Được biết, để tạo hành lang phát triển, Nghệ An đang tập trung chuyển đổi số trên lĩnh vực nông nghiệp. Đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh là một trong những “cú huých” của chuyển đổi số. Trưởng phòng Quản lý khoa học công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An Ngô Hoàng Khanh trao đổi, ngành nông nghiệp đã ứng dụng phần mềm “Vỏ sò” để giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại đã đưa nội dung chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa vào sản xuất, nhiều hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình tự giới thiệu sản phẩm, bán hàng qua mạng. Giờ đây các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh (cây trái đặc sản, chất lượng cao, rau sạch…) ổn định được đầu ra, đến được trực tiếp với người tiêu dùng.
Về nguồn nhân lực, từ 62 cơ sở đào tạo trên địa bàn, hiện mỗi năm đào tạo khoảng 70.000 lao động, trong đó, hơn 50.000 lao động đã có đầu ra. Nguồn cung lao động của tỉnh hằng năm khoảng 45.000 người với các trình độ khác nhau.
Thực tế trên khẳng định hiệu quả từ các giải pháp của tỉnh tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho người sản xuất, doanh nghiệp phát triển, tiếp cận những chính sách của Nhà nước; khắc phục việc “tỉnh mở, sở thắt” thành “tỉnh mở, sở hỗ trợ”…
Thực tế ghi nhận Nghệ An đang dồn sức phát huy nội lực thực hiện các chương trình, đề án đồng bộ trên các lĩnh vực văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị với tinh thần quyết liệt đổi mới, sáng tạo. Đối với lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đảng bộ tỉnh hướng mạnh vào mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy; hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Đây cũng là quá trình kiên quyết khắc phục những “điểm nghẽn, rào cản” hạn chế yếu kém, trì trệ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đạo đức công vụ trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước .
Đáng chú ý, Nghệ An đang tập trung lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch có tính chất tích hợp lần đầu được triển khai, dự kiến ban hành cuối năm nay. Theo đó, tỉnh hoạch định không gian, định hướng phát triển toàn diện các lĩnh vực trên địa bàn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác, phân bổ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên trong giai đoạn phát triển mới.