Nâng cao giá trị thương hiệu Lúa, gạo Cát Tiên

Thu hoạch lúa trên cánh đồng Cát Tiên
Thu hoạch lúa trên cánh đồng Cát Tiên
                                                                                                  Thu hoạch lúa trên cánh đồng Cát Tiên

“Từ hơn mười năm nay, Cát Tiên không còn lũ…”, ông Trần Quang Trừng – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên chia sẻ như một sự khẳng định Cát Tiên đã “trị” được lượng nước “quái” từ thượng nguồn sông Đồng Nai đổ về. Những người nông dân đã từng không ngại gian khó, sống chung với lũ giờ đây đã có thể tự hào khi chính họ đã góp phần tạo nên một thương hiệu nổi tiếng – thương hiệu Lúa, gạo Cát Tiên.

Với diện tích đất trồng lúa nước là 4.748 ha, sản xuất lúa gạo đóng vai trò chủ lực trong ngành Nông nghiệp huyện Cát Tiên khi cây lúa chiếm 45,5% diện tích gieo trồng cả năm. Thời gian qua, huyện Cát Tiên đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hàng hoá. Ông Ngô Quốc Chí – Chủ nhiệm kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Gạo hạt ngọc Cát Tiên (thành lập từ tháng 6/2018), chia sẻ: “Diện tích canh tác của HTX là 60 ha với sản lượng thu hoạch bình quân 7 tấn/ha mỗi vụ. Từ đó, hàng tháng HTX có thể đáp ứng được nhiệm vụ cung ứng cho thị trường khoảng 6 tấn gạo hữu cơ và trên 20 tấn các giống gạo khác. Hiện tại, sản phẩm của HTX ngoài phục vụ nhu cầu tại địa phương đã có thể tiếp cận đến các thị trường lân cận như các TP Đà Lạt, Bảo Lộc và đặc biệt là TP Hồ Chí Minh.” Cũng theo ông Chí, chính quyền đóng vai trò dẫn dắt rất quan trọng khi đã theo dõi sâu sát, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân trong việc phát triển kết cấu hạ tầng, nghiên cứu và lựa chọn giống lúa chất lượng cao vàcác loại phân bón hữu cơ sinh học. Ngoài ra, hàng năm chính quyền và các ngành chức năng Cát Tiên thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm tuyên truyền và phát huy các mô hình lúa hữu cơ. Với định hướng phát triển bền vững, các doang nghiệp và các hộ nông dân địa phương đã đạt được những thành công nhất định khi đã có 5 năm sản xuất và gia tăng sản lượng ổn định…

Phát triển sản xuất lúa gạo Cát Tiên đã từng bước phát triển theo hướng có giá trị gia tăng cao, nổi bật như diện tích gieo trồng lúa hàng năm duy trì và phát triển ổn định, tăng mạnh đạt 9.000 ha với sản lượng 56.328 tấn (2023). Trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao đạt 48.824 tấn/năm, chiếm 86,7% tổng sản lượng. Gắn liền việc duy trì, mở rộng diện tích sản xuất lúa với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và tạo nguồn nguyên liệu phát triển nhãn hiệu “Lúa, gạo Cát Tiên”. Hiện nay, với định hướng tổ chức sản xuất được củng cố và phát triển, địa bàn huyện Cát Tiên có 1 liên hiệp HTX với 8 HTX nòng cốt, đóng vai trò đầu tàu trong việc phát triển 11 chuỗi liên kết gồm trên 600 hộ dân tham gia. Các chuỗi liên kết cơ bản đảm bảo được 3 mục tiêu: “Vật tư dịch vụ đầu vào ổn định – Chất lượng, tiêu thụ sản phẩm ổn định – Tạo giá trị gia tăng cho người nông dân”. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm và phát triển đúng định hướng và phát huy hiệu quả của từng sản phẩm. Hiện nay địa bàn huyện có 9 sản phẩm gạo và các sản phẩm làm từ gạo được công nhận sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm của địa phương đã tham gia vào các sàn thương mại điện tử mang lại giá trị cao, ổn định và bền vững.

Đến nay, huyện Cát Tiên đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Lúa, gạo Cát Tiên” cho 6 tổ chức, cá nhân, hàng năm có từ 1.500 đến 2.000 tấn gạo mang nhãn hiệu “Lúa, gạo Cát Tiên” được cung ứng trên thị trường. Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn cho thương hiệu “Lúa, gạo Cát Tiên” khi thị trường lúa gạo thường xuyên biến động và cạnh tranh gay gắt. Hiện nay, giá lúa gạo tăng cao, dẫn đến một số hộ dân canh tác không đúng thời vụ, gây thiệt hại do ngập úng, khô hạn làm giảm năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Một số tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, tính liên kết chưa chặt chẽ. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh và ngày càng tăng cao.

Để tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng, huyện Cát Tiên đã đề ra một số nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện trong lĩnh vực nông nghiệp; tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa; mở rộng diện tích sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ, tạo ra lượng sản phẩm sạch, gắn liền với nhãn hiệu “Lúa, gạo Cát Tiên” đạt chuẩn OCOP. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ như: Quy hoạch vùng sản xuất gắn với yếu tố thị trường, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Định hướng sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao; các sản phẩm nông nghiệp phải truy xuất nguồn gốc, có nhãn hiệu. Phát triển mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm…

                                                                                                                                                                                                                                              Báo Lâm Đồng

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo