Dự án MDF Dongwha Việt Nam của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Sông Công II. Ảnh: Phạm Thành Chung
Thái Nguyên là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi, ít xảy ra thiên tai hoặc các hiện tượng thời tiết cực đoan. Địa hình đa dạng, cảnh quan đẹp của vùng trung du – miền núi với hệ thống sông ngòi, hồ đập, đồi núi và rừng cây đã tạo ra lợi thế về môi trường sống và tài nguyên du lịch bền vững.
Thái Nguyên ở trung tâm của vùng núi và trung du phía Bắc, cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km, cách biên giới Trung Quốc 200 km, cách trung tâm Hà Nội 75 km, cách cảng Hải Phòng 200 km và cách Quảng Ninh 180 km. Thái Nguyên còn là điểm nút giao lưu thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình dẻ quạt kết nối với các tỉnh, thành trong vùng và cả nước.
Với vị trí thuận lợi tiếp giáp với vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô Hà Nội và nằm trên các trục kinh tế quan trọng, Thái Nguyên có tiềm năng trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ du lịch – thương mại tổng hợp, trung tâm giáo dục, y tế chất lượng cao của Vùng trung du và miền núi phía Bắc; hình thành các khu công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và trung tâm kinh tế đô thị giảm tải cho Thủ đô Hà Nội.
Đó là những tiềm năng, lợi thế sẵn có của Thái Nguyên đã được biết đến. Hiện nay, Thái Nguyên đang có thêm những lợi thế, cơ hội hết sức rộng mở do con người tạo ra. Đó là hệ thống giao thông kết nối động lực, địa dư lớn cho phát triển khu công nghiệp.
Các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh chủ yếu được quy hoạch phân bố ở khu vực thuận tiện về giao thông, cơ sở hạ tầng sẵn có, có lợi thế vượt trội về vị trí. Tính đến nay, Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 8 KCN với quy mô 2.395 ha. Hiện có 3 KCN đạt tỷ lệ lấp đầy từ 92 đến 100% là KCN Yên Bình, KCN Sông Công II và KCN Điềm Thụy (khu A).
Về cụm công nghiệp (CCN), tính đến 29/3/2021, tỉnh có 35 CCN với diện tích 1.335 ha. Tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại các CCN đã hoạt động đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 44%. Từ tháng 4/2021 đến nay, tiếp tục có nhiều CCN được thành lập, như: CCN Tân Phú 1, Tân Phú 2 thuộc thị xã Phổ Yên; CCN Lương Sơn thuộc thành phố Sông Công; CCN Quang Sơn 1 thuộc huyện Đồng Hỷ; CCN Yên Lạc thuộc huyện Phú Lương; CCN Hạnh Phúc – Xuân Phương và CCN Thượng Đình thuộc huyện Phú Bình… với diện tích trên 355 ha.
Năm 2021, tỉnh Thái Nguyên được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung 1.300 ha đất công nghiệp tại các khu công nghiệp; khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ; cụm công nghiệp. Đây là cơ hội lớn cho tỉnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ trong tương lai.
Cùng với địa dư cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, hệ thống giao thông của tỉnh sẽ là yếu tố cộng hưởng, phát huy tối đa ưu thế. Các tuyến giao thông đối ngoại: Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đường Thái Nguyên – Chợ Mới, đường Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ. Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm đầu tư giao thông phục vụ phát triển các KCN phía Nam của tỉnh được xác định là “đòn bẩy” để tăng tính hấp dẫn thu hút đầu tư gồm: Đường Vành đai 5 đoạn Phú Bình – Bắc Giang; mở rộng đường gom từ nút giao Yên Bình; đường kết nối QL37, Vành đai 5; giai đoạn II đường nối QL3 mới đến KCN Yên Bình. Đối với thúc đẩy giao thương khu vực phía Bắc, tỉnh đang nghiên cứu đầu tư đường Vành đai 1 tỉnh để nối hai huyện Phú Lương – Đồng Hỷ; xây dựng tuyến đường nối ĐT.265 Thái Nguyên đi Bắc Giang.
Đặc biệt, Thái Nguyên đang chuẩn bị thực hiện đầu tư đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên – Bắc Giang và Vĩnh Phúc, với tổng mức đầu tư cho dự án hơn 3.780 tỷ đồng. Đây được xác định là tuyến “đường động lực”, là trục kết nối các tỉnh thông qua 5 tuyến cao tốc: Hà Nội – Bắc Giang; Hà Nội – Thái Nguyên; Hà Nội – Lào Cai; Vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội; Tuyên Quang – Phú Thọ. Tuyến sẽ kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên vào Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc (giảm chiều dài khoảng 20 km tính từ Hà Nội); kết nối Khu du lịch Quốc gia ATK Định Hóa; Khu du lịch Quốc gia cách mạng Tân Trào (Tuyên Quang). Sau khi hoàn thiện đầu tư, sẽ góp phần phát triển kinh tế cho đồng bào vùng khó khăn; kết nối với KCN Yên Bình, Công ty Samsung. Bên cạnh đó sẽ tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng sườn Đông Tam Đảo. Tuyến đường được quy hoạch để định hướng thành đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Tuyên Quang – Hà Giang trong tầm nhìn đến 2030.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thực tế thực hiện dự án tại TX. Phổ Yên. Ảnh: Kim Oanh
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi như đã nói trên, thì việc lan tỏa, truyền cảm hứng về khát vọng thịnh vượng với phương châm “quyết tâm cao – nỗ lực lớn – hành động quyết liệt” của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền tỉnh đã và đang đem đến sự đổi thay mạnh mẽ.
Trong thời gian qua, thông điệp về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, đồng hành cùng doanh nghiệp trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật và tôn trọng các cam kết đã được thể hiện rõ bằng những kết quả trong xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Có thể thấy, với những lợi thế sẵn có và bằng năng lực sáng tạo, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự tham mưu tích cực của các cơ quan chuyên môn, sự đồng thuận của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã trở thành địa phương có môi trường “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho các nhà đầu tư.
Theo thainguyen.gov.vn