Ngày 29/5, tại tại Trung tâm Văn hóa xứ Đông tỉnh Hải Dương đã diễn ra “Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022”. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp và được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu với các Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và khu vực trên thế giới cùng sự tham gia của Sở Công Thương các địa phương và doanh nghiệp trong nước.
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid, Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022 là hoạt động hết sức có ý nghĩa của tỉnh Hải Dương sau chuỗi ngày kinh tế Việt Nam nói chung, tỉnh Hải Dương nói riêng gặp nhiều khó khăn. Hội nghị là hoạt động thiết thực góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh theo phương châm thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá và cũng là dịp để Hải Dương tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh về trái vải thiều – đặc sản nổi tiếng của tỉnh đã được tạo dựng và phát triển trong nhiều năm vừa qua cùng các sản phẩm tiêu biểu, các danh lam, thắng cảnh đặc trưng của tỉnh; giới thiệu vùng đất giàu truyền thống văn hóa có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh; Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, An phụ- Kinh Chủ -Nhẫm Dương…vv. đến với đông đảo người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hải Dương trong việc quan tâm và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa cũng như mở rộng xuất khẩu tới các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, Hải Dương là một trong các địa phương tiên phong của Việt Nam đã rất tích cực phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các Hội nghị quốc tế có quy mô lớn theo phương thức tiếp cận mới (vừa trực tiếp vừa trực tuyến), ứng phó nhanh trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và phù hợp với xu thế thời đại 4.0.
Theo Thứ trưởng, Bộ Công Thương luôn coi công tác hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Với vai trò cơ quan điều hành lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực cùng các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về phát triển thị trường; Trong đó, Bộ đặc biệt chú trọng hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, chủ động đưa các sản phẩm của Việt Nam vào đa dạng hệ thống phân phối nội địa và quốc tế, gắn kết việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua các chương trình lớn của Chính phủ, của Bộ Công Thương để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô lớn nhằm đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương xây dựng các phương án, kịch bản đẩy mạnh tiêu thụ quả vải thiều Thanh Hà và nông sản tại thị trường nước ngoài để Hải Dương có thể chủ động trong công tác sản xuất và tiêu thụ. Vải thiều Thanh Hà – Hải Dương đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao về chất lượng của nhiều đầu mối nhập khẩu nước ngoài. Đồng thời, nhằm đem quả vải Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường quan trọng và mới; tích cực quảng bá hình ảnh và thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều của Hải Dương cũng như các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khác. Ngoài ra, Bộ cũng đẩy mạnh phối hợp, hỗ trợ tỉnh Hải Dương thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải ở thị trường trong nước. Phối hợp các cơ quan truyền thông thực hiện tuyên truyền rộng rãi tới người tiêu dùng về chất lượng, lợi ích, công dụng trong việc sử dụng quả vải nhằm kích cầu tiêu dùng của nhân dân, đồng thời tích cực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nhằm giúp vải thiều Thanh Hà và các sản phẩm của tỉnh Hải Dương ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương cần chủ động ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong hoạt động xúc tiến thương mại như giao thương trực tuyến, hội chợ và hội thảo trực tuyến; tăng cường hoạt động kết nối cung cầu giữa các địa phương nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh để điều hành linh hoạt các hoạt động thu mua vải thiều và nông sản giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân. Đồng thời, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh, thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản ở địa phương, kịp thời thông báo đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và tiêu thụ theo tín hiệu của thị trường.
Theo Cục Xúc tiến thương mại