Lục Yên (Yên Bái) chuyển biến trong thu hút đầu tư vào công nghiệp

Khai thác và chế biến khoáng sản tại Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam.

Khai thác và chế biến khoáng sản tại Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam.

Khai thác và chế biến khoáng sản tại Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam

Từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương, huyện Lục Yên đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh (SXKD), nhiều DN lớn, tiềm năng tin tưởng đã đến với địa phương.

Hoạt động thu hút đầu tư là một trong những yếu tố quan trọng để huyện thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Thời gian qua, huyện Lục Yên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mời gọi các nhà đầu tư, DN đến tìm hiểu, đầu tư trên địa bàn, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, phối hợp với các sở, ngành liên quan cung cấp thông tin, quảng bá tiềm năng, lợi thế của huyện để thu hút các nhà đầu tư.
Một trong những giải pháp quan trọng được huyện tập trung triển khai là tăng cường cải cách hành chính, nhất là việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận các chính sách ưu đãi…
Nhờ thực hiện đồng bộ, triệt để các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các thành phần kinh tế được tạo điều kiện hoạt động SXKD bình đẳng, ngày càng thuận lợi và phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, từng bước khẳng định vai trò là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội; theo đó, số cơ sở sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn ngày càng tăng về số lượng, quy mô sản xuất và riêng năm 2021, huyện thành lập mới 345 cơ sở SXKD; trong đó, có 31 DN, 304 hộ kinh doanh cá thể, 10 hợp tác xã, nâng tổng số cơ sở SXKD toàn huyện lên 2.287 cơ sở; đồng thời, hết năm 2021, có 15 dự án của các DN thực hiện đăng ký đầu tư vào khu vực Cụm công nghiệp Yên Thế.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, huyện đã đẩy mạnh cải cách TTHC, tư vấn, hướng dẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đối tượng có nhu cầu đăng ký kinh doanh; triển khai tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN và hộ kinh doanh, nhất là về chính sách thuế, đất đai.
Đặc biệt, với nguồn lao động trẻ, dồi dào và cũng là lợi thế lớn để thu hút đầu tư vào huyện Lục Yên. Trên cơ sở rà soát nhu cầu, đánh giá trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; đồng thời, khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của DN đứng chân trên địa bàn, huyện đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Trao đổi với lãnh đạo Công ty cổ phần Khai khoáng Thanh Sơn đóng tại thị trấn Yên Thế được biết, thời gian qua, Công ty luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của chính quyền địa phương như: giải phóng mặt bằng, TTHC, các chính sách về thuế, lao động, đảm bảo an ninh trật tự… Năm 2021, mặc dù gặp không ít khó khăn, song nhờ có sự giúp đỡ của địa phương, Công ty đã từng bước khôi phục sản xuất.
Hiện, Công ty có 1 dây chuyền tự động, 1 dây chuyền bán tự động và tận dụng tối đa nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm đá xẻ nhiều kích cỡ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Với sản lượng hàng năm khoảng 92.000 m2 đá xẻ và 8.000 m3 đá khối, tổng doanh thu của Công ty đạt 137 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho trên 200 công nhân lao động với thu nhập bình quân đạt từ 6 – 8,5 triệu đồng/tháng.
Ông Hoàng Trung Hải – Trưởng phòng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Yên cho biết: trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện cùng với sự nỗ lực của các địa phương, DN nên hoạt động SXCN của huyện Lục Yên vẫn duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Giá trị SXCN – tiểu thủ công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 theo giá hiện hành trên địa bàn đạt trên 1.487 tỷ đồng.
Trong đó, công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 948,6 tỷ đồng; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 539,2 tỷ đồng.
Tính theo giá so sánh năm 2010 thì giá trị SXCN 6 tháng trên địa bàn đạt 1.144,5 tỷ đồng; trong đó, công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 760,6 tỷ đồng; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 383,9 tỷ đồng.
Các DN có tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp của huyện như: Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam; Công ty TNHH Khai khoáng Thanh Sơn; Công ty TNHH Một thành viên Vạn Khoa Lục Yên; Công ty TNHH Khai thác và Chế biến đá Tường Phú; Công ty TNHH Một thành viên Vạn Khoa Lục Yên, Nhà máy Khai thác và Chế biến đá Marble Lục Yên (tập đoàn Hùng Đại Dương)…
Nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa giá trị SXCN, tiểu thủ công nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Lục Yên tiếp tục triển khai thêm nhiều giải pháp; trong đó, quan tâm đẩy nhanh tiến độ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào khu vực Cụm công nghiệp Yên Thế; triển khai hiệu quả chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP); xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương, nhất là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và phấn đấu giá trị SXCN năm 2025 trên địa bàn đạt trên 4.500 tỷ đồng.
Theo Báo Yên Bái

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo