Lợi ích kép từ kinh tế tuần hoàn

Chú thích ảnh

Chú thích ảnhTại các hệ thống siêu thị ở Việt Nam, sản phẩm rau được bọc bằng lá chuối thay vì bằng túi nylon nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của người tiêu dùng. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến thời điểm này, đã có khoảng 400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ đánh giá nhanh và gần 100 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn, để trở thành các mô hình điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn.

Qua đó, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã nhận thức rõ hơn và chủ động áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn nhằm giảm mức phát sinh chất thải, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước, tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Trong những năm qua, mô hình sản xuất sạch hơn đã được đẩy mạnh triển khai rộng rãi. Sự dẫn dắt của các doanh nghiệp tiên phong, đang và sẽ có nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam tập trung đầu tư, hướng tới việc đổi mới quy trình công nghệ, dây chuyền sản xuất bằng cách phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Song để đạt hiệu quả cao và phát triển, nhân rộng thành phong trào, thu hút được sự quan tâm của số đông doanh nghiệp trong nước, nhiều ý kiến cho rằng cần tuyên truyền cũng như có cơ chế hỗ trợ cho mô hình này.

Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO), kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Mục đích của kinh tế tuần hoàn là nhằm kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, tăng năng suất của các tài nguyên. Tất cả các “phế thải” của một quy trình sản xuất tiêu dùng đều được xem như nguyên vật liệu của các quy trình sản xuất tiêu dùng khác, bất kể đó là sản phẩm phụ hay tài nguyên được thu hồi từ một quy trình công nghiệp khác hay tài nguyên được tái sinh cho môi trường tự nhiên.

Như vậy, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế; trong đó, các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường; chú trọng tới việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải. Các mô hình kinh doanh tuần hoàn có thể mang lại lợi nhuận như các mô hình tuyến tính, đồng thời vẫn cho phép người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tương tự. Một số mô hình điển hình về kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng đã được Bộ Công Thương triển khai tích cực. Cùng với đó là rất nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong một số ngành, lĩnh vực khác như đồ uống, nước giải khát hay chế biến thực phẩm…

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng thư ký, Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) cho hay, trong những năm qua, với nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan liên quan và các doanh nghiệp tiên phong, khái niệm kinh tế tuần hoàn đã trở nên gần gũi hơn rất nhiều.

Kinh tế tuần hoàn cung cấp một góc nhìn mới về sử dụng các nguồn nguyên vật liệu theo chiều hướng hiệu quả, tiết kiệm hơn, đồng thời không ngừng nhắc nhở mọi người sử dụng hiệu quả nguồn lực hữu hạn về nước, năng lượng, nguyên vật liệu và cả thực phẩm với vòng đời dài hơn, đạt giá trị cao hơn so với phương thức hiện tại.

Đại diện Công ty Coca-Cola Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Truyền thông Đối ngoại và Phát triển Bền vững cho biết, việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về việc thu gom và tái chế bao bì là một phần quan trọng trong Chiến lược “Vì một thế giới không rác thải” mà Coca-Cola đang thực hiện. Mục tiêu là đến năm 2030, thu gom và tái chế 100% lượng bao bì mà Coca-Cola bán ra trên toàn cầu; đến năm 2025, đạt tỉ lệ 100% bao bì có thể tái chế và đến năm 2030, sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế trong bao bì sản phẩm của công ty.

Trong khuôn khổ chiến lược, Coca-Cola đã hợp tác cùng các công ty khác thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam); đồng thời, phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) triển khai “Mạng lưới hành động giảm thiểu – tái sử dụng – tái chế rác thải nhựa” nhằm cải thiện các hoạt động tái chế tại nhiều địa phương, như Vịnh Hạ Long (thành phố Hạ Long) hay huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh)…

Coca-Cola còn phối hợp với UNESCO Việt Nam nhằm thúc đẩy vai trò của thanh niên và các nhà khoa học trẻ tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng và quản lý chất thải nhựa tại các Khu dự trữ sinh quyển thế giới ven biển tại Việt Nam với Sáng kiến “Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh” từ năm 2017 đến nay.” Bên cạnh đó, Coca-Cola đang tiếp tục ủng hộ và triển khai các hoạt động thu gom, tái chế bao bì cùng các đối tác trong nước và quốc tế, từng bước hỗ trợ kinh tế tuần hoàn cho bao bì sản phẩm và hiện thực hóa cam kết phát triển bền vững cùng Việt Nam.

Cùng với Coca-Cola, ông Fausto Tazzi, Tổng Giám đốc Công ty La Vie cho biết, cả Công ty La Vie và Công ty Nestlé Việt Nam cùng các thành viên thuộc Tập đoàn Nestlé đã và đang cam kết thực hiện các kế hoạch nhằm giảm lượng nhựa dùng lần đầu (virgin plastic) trong đóng gói sản phẩm, giảm phát thải nhựa (plastic footprint) ngay tại nguồn và đóng góp cho các sáng kiến thu gom tương đương lượng bao bì đưa ra thị trường đến năm 2025. Hiện gần như toàn bộ sản phẩm của La Vie có thể tái chế 100%.

Đầu năm 2021, La Vie trở thành thương hiệu nước khoáng đầu tiên tại Việt Nam sử dụng chai làm từ nhựa tái chế (rPET) đạt tiêu chuẩn bao bì thực phẩm, khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất rPET để đẩy nhanh hơn nữa mô hình kinh tế tuần hoàn, tạo cơ hội tái sinh cho vỏ chai. Nestlé Việt Nam và La Vie cũng là những thành viên sáng lập của PRO Việt Nam.

Theo TTXVN

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo