Vùng kinh tế trọng điểm miền trung gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Ðịnh có diện tích tự nhiên hơn 27.881km2 (chiếm 8,45% diện tích cả nước), với dân số khoảng 6,5 triệu người (chiếm hơn 7% dân số cả nước). Ðây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh đối với khu vực duyên hải miền trung-Tây Nguyên và cả nước.
Hiệu quả từ liên kết
Vùng kinh tế trọng điểm miền trung có tài nguyên, khoáng sản khá phong phú với chiều dài bờ biển khoảng 600km, là cửa ngõ ra biển, cầu nối trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Ðông-Tây cùng hệ thống cảng biển khá dày đặc, quan trọng. Ðây cũng là vùng ôm “trong lòng” hơn 80 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, nhiều bãi biển đẹp và một số hệ sinh thái điển hình. Toàn vùng hiện có đến ba di sản văn hóa thế giới và một khu dự trữ sinh quyển, đồng thời có bốn sân bay, bốn khu kinh tế ven biển, một khu công nghệ cao và 19 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế.
Phát huy tiềm năng, lợi thế đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, cụ thể hóa của chủ trương, định hướng của Ðảng, Nhà nước thành các kế hoạch, chương trình, đề án nhằm phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương và vùng. Các tỉnh và thành phố đã có những động thái tích cực trong công tác liên kết, mở rộng hợp tác trong phát triển kinh tế; nhiều địa phương trong vùng đã ký kết hợp tác trong phát triển du lịch nội vùng; hình thành các tour du lịch như: “Con đường di sản miền trung”, “Ba địa phương một điểm đến”; đồng thời đang mở rộng liên kết du lịch với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương.
Bước đầu, việc phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền trung đạt được kết quả đáng kể; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 8%/năm giai đoạn đến năm 2015 và khoảng 9%/năm giai đoạn 2016-2020. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 80 triệu đồng/năm, bằng khoảng 1,2 lần bình quân đầu người của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng trong cơ cấu GRDP tăng lên 45%; tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng lên 43%; tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GRDP giảm xuống 12%; tăng mức đóng góp thu ngân sách của vùng cho cả nước lên 7,5% vào năm 2020… Các địa phương duy trì được mức tăng trưởng bình quân cao, như: Ðà Nẵng (12,05%/năm), Quảng Nam (11,58%/năm), Quảng Ngãi (11,19%/năm)…
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương trong vùng đã có nhiều giải pháp đột phá trong khôi phục kinh tế sau đại dịch. Bước đầu, lượng du khách đến các điểm du lịch nổi tiếng ở Huế, Ðà Nẵng, Hội An… tăng cao; các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong vùng từng bước phục hồi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, sáu tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Nam tăng 12,8% so cùng kỳ, cao thứ tư của cả nước, đứng vị trí thứ hai trong khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung và cao nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Tình hình phát triển kinh tế cơ bản được phục hồi. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 53%; tổng lượt khách tham quan, lưu trú gần 2,3 triệu lượt khách, tăng gấp bảy lần; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hơn 18.680 tỷ đồng, đạt 79% dự toán, tăng 43% so cùng kỳ.
Các chuyên gia đánh giá, kinh tế-xã hội của Vùng có sự khởi sắc và tăng trưởng liên tục, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Một số ngành kinh tế chủ lực, có giá trị gia tăng cao được hình thành, hệ thống kết cầu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư khá đồng bộ, nhất là các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường sắt bắc-nam. Các chuỗi đô thị ven biển hình thành và giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển, du lịch và mở rộng các không gian kinh tế. Ðời sống vật chất và tinh thần người dân được cải thiện và nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Bản sắc văn hóa, nhất là các di sản được giữ gìn và phát huy. Công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư có nhiều cải thiện.
Vùng trũng trong phát triển
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng Vùng kinh tế trọng điểm miền trung còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế còn khá chậm, thiếu ổn định, quy mô kinh tế nhỏ, chưa đáp ứng kỳ vọng và đang là “vùng trũng” so với các vùng kinh tế trọng điểm khác của cả nước. Công tác quy hoạch phát triển vùng còn nhiều bất cập, hạ tầng kinh tế-kỹ thuật chưa đồng bộ, các đô thị thiếu liên kết, nguồn tài nguyên chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, tỷ lệ lao động lành nghề thấp, thiếu hụt lao động chất lượng cao…
Mặt khác, cơ chế điều phối, liên kết vùng đã được ban hành, nhưng chưa mang lại hiệu quả, xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng. Liên kết vùng đang thiếu các hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp, chế tài thực thi phù hợp. Hội đồng Vùng chưa có địa vị pháp lý đầy đủ, không đủ nguồn lực để điều phối, chưa có khả năng xây dựng định hướng, chiến lược, quy hoạch vùng và chưa được trao “quyền” trong việc quyết định các nguồn lực cho các dự án vùng. Liên kết, phối hợp giữa các địa phương còn rời rạc, hình thức chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp vùng…
Tại Tọa đàm khoa học “Liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền trung trong bối cảnh mới” do Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phối hợp Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức mới đây, các nhà quản lý và chuyên gia cho rằng, để trở thành vùng kinh tế động lực thúc đẩy, lôi kéo các địa phương cùng phát triển, trước hết, các cơ quan chức năng ở Trung ương cần khẩn trương xây dựng quy hoạch phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền trung, trong đó tập trung xác định cấp độ lợi thế vùng của các cảng biển, cảng hàng không, các tài nguyên du lịch vùng, ưu tiên các dự án lớn, chặn trước nguy cơ gây lãng phí tài nguyên và tổn hại quá trình phát triển.
Tiếp đến, cần lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết vùng, đồng thời cần có một thể chế đủ mạnh kèm theo một cơ chế điều phối, liên kết hiệu quả, thực chất, trong đó Nhà nước đóng vai trò điều phối, định hướng thông qua quy hoạch và cơ chế chính sách trong quản lý và phân bổ nguồn lực. Mặt khác, cần nâng cao vai trò tham mưu của các bộ, ngành, nhất là trong phân công vai trò, nhiệm vụ các địa phương; điều tiết, phân bổ nguồn lực cho các địa phương và chia sẻ lợi ích trong liên kết.
Bên cạnh đó, các giải pháp tăng cường liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền trung phải bám sát chủ trương, định hướng của Ðảng và phù hợp với bối cảnh mới. Các thể chế, cơ chế, chính sách phải phù hợp với thực tế nhằm thúc đẩy liên kết, khơi thông nguồn lực, giải quyết các khó khăn, thách thức và tận dụng hiệu quả các lợi thế riêng của từng địa phương trong vùng.
Các cơ quan trung ương cần hỗ trợ các địa phương thúc đẩy liên kết vùng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tiểu vùng, các khu công nghiệp, khu kinh tế biển, khu du lịch gắn với đô thị hóa và xây dựng các hành lang kinh tế, tăng cường liên kết nội vùng và thúc đẩy hội nhập quốc tế. Việc liên kết các địa phương trong vùng cần thực chất, cụ thể hơn và không chỉ dừng lại ở liên kết phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển và phát triển đô thị, mà còn cả trên lĩnh vực văn hóa, khoa học-công nghệ, an ninh-quốc phòng, bảo vệ tài nguyên, môi trường…
Theo Nhandan