Lành mạnh hóa thị trường chứng khoán

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Trước một số diễn biến không lành mạnh của thị trường chứng khoán thời gian qua, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đang tích cực theo dõi, giám sát và tăng cường thanh tra, đồng thời tập trung rà soát, trình sửa đổi các quy định liên quan nhằm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.

Hoàn thiện hành lang pháp luật về chứng khoán

Trong phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính sáng 8/6, nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên thực trạng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế.

Trong đó, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị Bộ trưởng Tài chính đánh giá về mức độ “bong bóng” trên thị trường chứng khoán khi đã xuất hiện những chiêu trò thao túng, đầu cơ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế, đồng thời đưa ra các giải pháp để thị trường chứng khoán nước ta phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đề nghị Bộ trưởng nêu rõ trách nhiệm và giải pháp trong quản lý, điều hành một số diễn biến không lành mạnh của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua.

Lành mạnh hóa thị trường chứng khoán -0
                          Đại biểu Nguyễn Danh Tú nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Tài chính. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Liên quan các vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, những năm vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể, với tăng trưởng bình quân trong giai đoạn từ năm 2016-2021 khoảng 26%. Đến cuối năm 2021, thị trường cổ phiếu đã đạt được 7.774 tỷ đồng, tức bằng 92,5% GDP của năm 2021, trong khi thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp khoảng 15%, tức là khoảng 1.374.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu rõ, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh vừa qua đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh. Nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm chất lượng.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian.

Lành mạnh hóa thị trường chứng khoán -0
                Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe…

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí để bảo đảm hiệu quả tuyên truyền, cung cấp thông tin xác thực về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Chính phủ để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và hoạt động đầu tư trên thị trường vốn, đồng thời tiếp tục chủ động thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các công ty chứng khoán

Để phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững, trong thời gian tới, Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Bên cạnh đó, Bộ cũng rà soát đồng bộ từ Luật đến các Nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.

Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tập trung rà soát để đề xuất sửa đổi các chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Về chấn chỉnh hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, Bộ đang tích cực theo dõi, giám sát và tăng cường thanh tra. Đối với những dấu hiệu bất thường, những vi phạm sẽ xử lý nghiêm như việc thao túng và đưa những thông tin sai lệch trên thị trường chứng khoán, nghiêm cấm những thông tin giả mạo ảnh hưởng đến nhà đầu tư.

Khẳng định đây là những nội dung được đưa vào điều cấm của Luật Chứng khoán, Bộ trưởng cho biết sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý những trường hợp tung tin đồn nhảm, hoặc đưa những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà đầu tư và làm đảo lộn trật tự kinh tế trong lĩnh vực chứng khoán.

Bộ cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra.

Liên quan trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, so với các nước chung quanh, trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam huy động đang ở mức thấp nhất và đang có dư địa để thực hiện.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, quy mô trái phiếu doanh nghiệp khoảng 15% GDP, tức là đang ở trong khoảng cho phép. Bộ trưởng cũng nêu rõ hiện không có chủ trương siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp, bởi đây được xem là 1 kênh huy động vốn rất hiệu quả cùng với các ngân hàng thương mại để huy động vốn cho các doanh nghiệp, đóng góp vào sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh việc huy động này phải đúng pháp luật, minh bạch và không được lợi dụng việc huy động này để sử dụng tiền sai mục đích, hay đưa tiền này vào bất động sản hoặc các mục đích khác mà không đóng góp cho nền kinh tế.

Lành mạnh hóa thị trường chứng khoán -0

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 8/6. (Ảnh: LINH KHOA)

Phát biểu giải trình làm rõ thêm trách nhiệm của Nhà nước trong việc tham gia quản lý, lành mạnh hóa, chống gian lận, thất thoát, sai phạm trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, với những vụ việc tiêu cực trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong đánh giá, rà soát các tổ chức tín dụng khi tham gia các thị trường này.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm các tổ chức tín dụng khi tham gia các thị trường này phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về chứng khoán, ngân hàng, trong đó có yêu cầu phải thẩm định, thẩm tra các khoản tín dụng khi các tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp để bảo đảm an toàn, kiểm soát rủi ro.

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo