Lai Châu: Khai thác lợi thế thu hút đầu tư

Lãnh đạo huyện Than Uyên, xã Mường Kim thăm vườn ươm giống cây mắc ca của Công ty Cổ phần Liên Việt Lai Châu.

Khai thác tiềm năng, lợi thế và thu hút đầu tư, huyện Than Uyên đã chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi; khuyến khích và cam kết hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án có hiệu quả nhất. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào địa bàn, góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.

Là huyện cửa ngõ của tỉnh với các quốc lộ 32, 279 đi qua, Than Uyên có lợi thế trong phát triển các dịch vụ cho hoạt động giao thương, du lịch giữa huyện với các huyện lân cận trong khu vực. Đặc biệt, huyện có hồ Thủy điện Huội Quảng, Bản Chát; cánh đồng lớn thứ 3 của vùng Tây Bắc, thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa. Bên cạnh đó, huyện có diện tích đất tự nhiên là 79.252ha, 25.541ha đất lâm nghiệp có rừng, một số tài nguyên khoáng sản như: vàng, quặng, cát, đá, sỏi…

Ngoài ra, huyện có vùng kinh tế thương mại dịch vụ trục quốc lộ 32 tập trung phát triển lúa đặc sản hàng hóa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thương mại dịch vụ, dịch vụ vận tải, trung chuyển hàng hóa. Vùng kinh tế lâm – nông nghiệp sinh thái lòng hồ thủy điện chú trọng khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng cây công nghiệp (cao su, quế, sơn tra), sử dụng có hiệu quả diện tích mặt nước của các hồ thủy điện, phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái lòng hồ.

Ông Lò Văn Hương – Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Xác định lợi thế về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, thuận lợi cho phát triển nông – lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ cũng như giao lưu kinh tế – văn hóa giữa các vùng miền. Khai thác tiềm năng, thế mạnh này, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu hình ảnh của địa phương cũng như các chủ trương, chính sách pháp luật về ưu đãi, khuyến khích đầu tư, tình hình kinh tế xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo, đài, tạp chí, Website quảng bá sản phẩm. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính”.

Thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư liên kết với Nhân dân trong phát triển vùng sản xuất cây nông nghiệp, cây công nghiệp gắn sản xuất với các cơ sở chế biến, doanh nghiệp thương mại. Đồng thời tạo môi trường đầu tư thông thoáng đảm bảo giải quyết các thủ tục theo cơ chế “một cửa”, một cửa một đầu mối, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư, minh bạch và rút gọn, cam kết hỗ trợ các nhà đầu tư tìm kiếm và thực hiện dự án có hiệu quả nhất. Cùng với đó, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của huyện, nhu cầu của thị trường. Chú trọng đào tạo nghề từ ngắn hạn sang dài hạn, thông báo nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 dự án đầu tư đang được triển khai thực hiện (đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của tỉnh) là: Dự án phát triển cây mắc-ca kết hợp cây lâm nghiệp khác tại bản Nà Phạ (xã Mường Kim) do Công ty Cổ phần Liên Việt Lai Châu thực hiện và dự án xây dựng nhà máy chế biến và khu vực vườn ươm tại bản Nà Phạ (xã Mường Kim) do Công ty TNHH Xây dựng Tuyền Phương thực hiện. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào huyện nghiên cứu khảo sát, lập dự án đầu tư như: Khảo sát nghiên cứu đầu tư phát triển vùng nguyên liệu gắn với cấp chỉ FSC/FM (chứng nhận quản lý rừng); xây dựng nhà máy chế biến gỗ phục vụ chế biến xuất khẩu của Công ty Cổ phần lâm nghiệp Hoà Phát; đầu tư dự án trồng rừng gắn với khu du lịch sinh thái đèo Khau Co (xã Phúc Than) của Công ty TNHH MTV xây dựng và thương mại Trọng Thuý; trang trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt công nghệ cao tại xã Phúc Than của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chăn nuôi BEEFOODS; dự án xây dựng Nhà máy sấy, kho dự trữ, xay xát lúa gạo. Khu du lịch lòng hồ Thuỷ điện Huội Quảng gắn với quần thể hang động Bản Mè (xã Ta Gia); dự án khu du lịch lòng hồ Thuỷ điện Bản Chát; dự án Nhà máy chế biến Mắc-ca huyện Than Uyên; dự án trồng và xây dựng nhà máy chế biến hoa quả; nuôi, trồng, chế biến thủy sản trên lòng hồ Thủy điện Huội Quảng, Bản Chát…

Ông Phạm Văn Vinh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Việt Lai Châu chia sẻ: “Từ năm 2019, công ty được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương và cho thuê đất thực hiện 2 dự án trồng, phát triển mắc-ca tại xã Pha Mu và nhà máy chế biến mắc -ca tại xã Mường Kim. Hiện, công ty thực hiện xong trồng trên 1.000ha mắc-ca tại Pha Mu; nhà máy đã hoàn thành san lấp xong mặt bằng. Cấp ủy, chính quyền huyện, xã, Nhân dân ở Than Uyên tạo điều kiện về cơ chế chính sách hỗ trợ theo các quy định của tỉnh. Thời gian tới, công ty mong muốn huyện, tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển mắc-ca (giải phóng mặt bằng, vận động người dân tham gia dự án), có thêm các chương trình chính sách, từ đó xây dựng vùng mắc-ca rộng lớn”.

Từ việc tạo thuận lợi triển khai các chính sách, cải cách hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khi đầu tư vào huyện Than Uyên đang mang lại những tín hiệu khởi sắc trong khai thác tiềm năng, lợi thế. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Theo baolaichau.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo