Kỳ vọng xuất nhập khẩu cán đích 640-650 tỉ USD
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), với tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2021 đã ở mức xấp xỉ 600 tỉ USD, là tín hiệu lạc quan cho phép kỳ vọng thương mại của Việt Nam năm 2021 lần đầu tiên có thể đạt mức kỷ lục 640-650 tỉ USD. Đây là con số rất đáng tự hào trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tổng số 299,67 tỉ USD hàng hóa xuất khẩu trong 11 tháng qua (tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước), 34 nhóm hàng hóa trị giá trên 1 tỉ USD đã đóng góp tỉ lệ lớn, chiếm tới 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 7 nhóm hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đạt 299,45 tỉ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói là, trong 11 tháng qua, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất chiếm tỉ trọng khá lớn, chiếm đến 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, ước đạt 280,2 tỉ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng tiêu dùng chỉ chiếm 6,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, ước tính đạt 19,25 tỉ USD.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) đánh giá, mặc dù nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nhưng chủ yếu là nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Nhóm hàng này chiếm tỉ trọng lớn cho thấy sản xuất trong nước đang hồi phục, các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
“Dọn đường” để 34 nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD bứt phá
Theo Tổng cục Thống kê, 7 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỉ USD trong 11 tháng qua, gồm: Điện thoại và linh kiện: 51,9 tỉ USD. Điện tử, máy tính và linh kiện: 45 tỉ USD. Máy móc thiết bị và dụng cụ khác: 33,6 tỉ USD. Dệt may: 28,8 tỉ USD. Giày dép: 15,5 tỉ USD. Gỗ và sản phẩm từ gỗ: 13,2 tỉ USD. Thép: 10,8 tỉ USD.
Đặc biệt, đến hết tháng 11.2021, xuất khẩu thép chính thức gia nhập nhóm hàng “xuất khẩu trên 10 tỉ USD”, với đóng góp kim ngạch trên 10,8%, nâng 6 nhóm hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD lên 7 nhóm.
Thông tin từ các hiệp hội, ngành hàng cho thấy, dự kiến năm 2021, ước tính xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện có thể đạt trên 54 tỉ USD; nhóm hàng máy vi tính, linh kiện và sản phẩm điện tử có thể đạt 50 tỉ USD; nhóm hàng dệt may ước đạt 38 tỉ USD; nhóm gỗ và sản phẩm mây, tre, cói, thảm: Ước đạt 15 tỉ USD; thủy sản: 8,4 tỉ USD. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của ngành nông nghiệp có thể đạt trên 44 tỉ USD trong năm nay.
Theo ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cuối năm, tạo đà cho xuất khẩu bứt tốc trong tháng cuối của năm 2021 và trong năm tới, cùng với việc tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới.
Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN… để tạo thuận lợi cho các hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Đồng thời, chú trọng triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do nói chung, nhất là các hiệp định thế hệ mới, như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA… nhằm phát huy có hiệu quả ưu đãi của các hiệp định này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cũng cho biết, đang đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa, chú trọng chế biến sâu… để đáp ứng các yêu cầu của thị trường cao cấp. Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT cũng đang nỗ lực khơi thông thị trường Trung Quốc để xuất khẩu nông sản vào thị trường này bật tăng trở lại.
Theo Báo Lao động