Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã bị ảnh hưởng nặng nề. Năm 2021, đã có 226 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động và thông báo giải thể, tăng 35% so với năm 2020.
Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ cắt giảm chi phí, chính sách tài khóa, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp,…
Trong đó, hỗ trợ 912 doanh nghiệp với gần 16 nghìn lao động giảm đóng bảo hiểm xã hội số tiền gần 5 tỷ đồng; gia hạn thuế và tiền thuê đất cho 981 trường hợp với số tiền trên 85 tỷ đồng; các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 138 khách hàng là doanh nghiệp với số tiền gần 700 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế đạt gần 13 nghìn tỷ đồng…
Nhờ các chính sách hỗ trợ, tổng sản phẩm GRDP 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Kon Tum ước đạt trên 7.300 tỷ đồng, tăng 9,69% so với cùng kỳ; thu ngân sách đạt gần 2.300 tỷ đồng, đạt 56,7% dự toán, bằng 150,6% so với cùng kỳ.
Tỉnh đã thu hút được 15 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 1.360 tỷ đồng; có 208 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn điều lệ gần 4.000 tỷ đồng. Đây là những tín hiệu tích cực trong công cuộc khôi phục kinh tế của tỉnh Kon Tum sau đại dịch.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến của lãnh đạo các hiệp hội, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã đã được gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.
Ông Nguyễn Đình Bắc, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho biết, nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam đã xuất hiện mô hình cà phê doanh nghiệp. Tại đây, các ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã sẽ được trình bày cụ thể tới lãnh đạo địa phương.
Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum nên phát triển mô hình này để các doanh nghiệp, nhà đầu tư giãi bày, tìm hướng giải quyết cho những vướng mắc, khó khăn.
Bên cạnh đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của tỉnh Kon Tum ở mức thấp (58,95 điểm, xếp hạng 61/63), cho thấy tỉnh chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.
Ông Trương Lê Mãnh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Kon Tum đưa ra 11 kiến nghị đến Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum như hỗ trợ và cho vay vốn để phục hồi và phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp, du lịch, dược liệu; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê đất lâu dài; sớm có biện pháp bảo vệ các sản phẩm dược liệu của tỉnh nhà.
Bên cạnh đó, tỉnh cần có nguồn kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch; ưu tiên cho phát triển du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp;…
Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã cũng đưa ra một số ý kiến khác liên quan đến vấn đề thu hồi diện tích rừng do sai sót của chính quyền địa phương đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; một số thay đổi về quy hoạch khiến các doanh nghiệp phải chờ kết quả phê duyệt quy hoạch mới có thể triển khai nghiên cứu đầu tư làm cho dự án bị chậm trễ;…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn ghi nhận những ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp thu, chắt lọc để tham mưu ban hành cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh; tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương, giúp việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được diễn ra thuận lợi, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh.
“Các sở, ngành cần tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát được dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh”, đồng chí Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Theo Nhandan