Doanh nghiệp không thể lấy lý do “bất khả kháng”
Đợt dịch lần thứ 4 diễn biến phức tạp và kéo dài đã làm cho nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng, giao hàng chậm, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Một doanh nghiệp dệt may lớn ở miền Bắc (trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam) thẳng thắn thừa nhận, điều khiến họ lo lắng nhất lúc này không phải là những chi phí cố định “ngốn tiền” doanh nghiệp mà là việc bị đối tác phạt chậm giao hàng. Nếu như bị phạt, doanh nghiệp có thể thiệt hại lên tới 100 tỉ đồng.
Vấn đề nêu trên khiến nhiều người thắc mắc doanh nghiệp có thể lấy lý do “bất khả kháng” do dịch bệnh để tránh bị phạt chậm giao hàng, bởi trong điều khoản của hợp đồng luôn có điều kiện về “bất khả kháng”?
Tuy nhiên, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) – cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên quy mô toàn cầu. Từ những ngày đầu tiên, COVID-19 đã được viện dẫn như là “sự kiện bất khả kháng”.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Việt Nam chưa công bố tình trạng khẩn cấp, “bất khả kháng”, nên doanh nghiệp không áp dụng điều khoản này được – trong trường hợp bị đối tác phạt chậm giao hàng.
“Đối với dịch bệnh COVID-19, để được miễn trừ trách nhiệm, bên bị ảnh hưởng phải chứng minh là đã áp dụng “mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép” để ngăn chặn ảnh hưởng của dịch bệnh trong việc thực hiện hợp đồng nhưng vẫn không thể khắc phục được.
Với các đơn hàng bị chậm, doanh nghiệp sẽ tập trung để đàm phán, thương lượng với khách hàng để giải quyết sự việc, tránh bị phạt chậm giao hàng.
Các đối tác cũng rất hiểu cho doanh nghiệp Việt, bởi họ cũng đã trải qua năm 2020 đầy sóng gió – khi dịch ở Châu Âu và Mỹ bùng phát rất mạnh mẽ, gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Còn ở Việt Nam, dịch bệnh mới bùng phát mạnh trong thời gian gần đây. Cho nên, chúng tôi vẫn nói khó với đối tác, để thuyết phục họ không phạt” – ông Phương cho hay.
Tuy nhiên, ông Phương cho rằng, việc công bố tình trạng “bất khả kháng” cũng cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng. Ông lấy ví dụ, một doanh nghiệp trong nước không trả nợ được cho ngân hàng lại “viện” lý do “bất khả kháng” thì ngân hàng sẽ không biết phải làm như thế nào.
Lo sợ “vuột mất” đơn hàng cuối năm
Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM cũng lo lắng, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nếu doanh nghiệp Việt chậm giao hàng, có thể sẽ vuột mất đơn hàng cuối năm.
“Hiện nay, hàng nghìn doanh nghiệp đang lo lắng sẽ bị vuột mất nhiều đơn hàng cuối năm. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, rất ít công ty dám ký kết các đơn hàng lớn với đối tác trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng thấy dịch bệnh tại khu vực phía Nam vẫn căng thẳng sẽ rút bớt đơn hàng sang những quốc gia đang ít chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho dịp mua sắm cuối năm” – ông Phương cho hay.
Theo một số chuyên gia kinh tế, khu vực Châu Âu và Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc kinh tế đang hồi phục khá tốt, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất và hàng hóa tiêu dùng trong những tháng cuối năm sẽ tăng cao.
Do đó, Việt Nam nếu không kịp thời dập được dịch và khôi phục sản xuất công nghiệp vào tháng 9.2021 sẽ mất đi rất nhiều đơn hàng cho dịp cuối năm và đầu năm sau. Nếu các đơn hàng bị “rút” đi, sau này các doanh nghiệp tại Việt Nam rất khó khăn trong tìm đơn hàng mới để phục hồi sản xuất.