Khôi phục thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Kim Thành

Khôi phục thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Kim Thành  - Ảnh 1.
Khôi phục thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Kim Thành  - Ảnh 1.

Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) diễn ra bình thường sau hơn 1 ngày tạm dừng thông quan

Từ hôm nay (6/7), hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) diễn ra bình thường sau hơn 1 ngày tạm dừng thông quan.

Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian thông quan qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành dự kiến kéo dài đến 22h. Việc thông quan nhằm giải quyết hàng hóa đang nằm tồn ở khu vực cửa khẩu, như ván bóc, tinh bột sắn, thanh long, vải thiều….

Trước đó, ngày 4/7, hoạt động thông quan buộc tạm dừng do phía Trung Quốc phát hiện virus SARS-CoV-2 trên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Thống kê của Hải quan cửa khẩu Kim Thành cho thấy, từ ngày 27/6 đến 3/7, đã có hơn 3.000 tấn trái cây gồm vải thiều, thanh long, chuối, xoài được xuất sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.

Trung bình mỗi ngày có khoảng 25 phương tiện vận chuyển trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.

Tăng cường bảo đảm an toàn cho hàng nông sản xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, hiện nay xuất khẩu qua các cửa khẩu với Trung Quốc vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc như Chính phủ Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero COVID” và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát hàng hóa, phương tiện… nhằm phòng chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu biên giới. 

Điều này đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới trên đất liền với Trung Quốc, thậm chí có thời điểm đã gây ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng tại khu vực cửa khẩu, đồng thời là nguyên nhân trực tiếp gây sụt giảm kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc thời gian qua.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp hai nước vẫn lựa chọn xuất khẩu “tiểu ngạch” (hình thức trao đổi cư dân biên giới) vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về thanh toán, kiểm dịch, ép cấp, ép giá, ùn tắc…

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của một số tỉnh biên giới còn thiếu và yếu, đặc biệt là hạ tầng giao thông và các dịch vụ logistics còn hạn chế; cửa khẩu quốc tế đường sắt chưa được phát huy lợi thế do khác biệt về khổ đường ray; hạ tầng thương mại biên giới quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đáp ưng được yêu cầu về trao đổi, lưu thông hàng hóa với phía Trung Quốc.

Tại địa bàn tỉnh Lào Cai, với việc phía Vân Nam tuy đã khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa tại nhiều cặp cửa khẩu với Việt Nam nhưng vẫn tiếp tục tạm dừng thông quan nhiều mặt hàng nông sản, trái cây tươi (thanh long, chuối, vải thiều, nhãn, xoài…) dẫn tới lượng hàng hóa tiếp tục dồn về địa bàn tỉnh Lạng Sơn để làm thủ tục xuất khẩu.

Trong thời điểm các loại nông sản bước vào cao điểm vụ thu hoạch và năng lực thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ tại Lạng Sơn chưa cải thiện,… Bộ Công Thương cho rằng nguy cơ tái diễn tình trạng ùn tắc nghiêm trọng như thời điểm trước tết Nguyên đán Nhâm dần 2022 hoàn toàn có thể xảy ra nếu không được tháo gỡ kip thời.

Nhằm “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn”, Bộ Công Thương tiếp tục khuyến nghị các địa phương vùng trồng, doanh nghiệp, các thương lái, lái xe đường dài tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, bao gói, vận chuyển hàng hóa tuyệt đối an toàn, theo đúng yêu cầu của công tác phòng chống dịch, từ đó giúp các bên liên quan mở và duy trì bền vững việc mở lại các cửa khẩu.

Các địa phương biên giới cũng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát để bảo đảm quy trình an toàn hàng hóa, phương tiện được thực hiện một cách chính xác và nghiêm túc; kiên quyết loại bỏ những lô hàng có biểu hiện vi phạm quy tắc phòng chống dịch để không làm ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng, đồng thời xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các lô hàng đó.

Theo Chinhphu.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo