Khơi dậy lợi thế của sông Trà Khúc

Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc đang được thi công nhìn từ trên cao.                                   Ảnh: PV
.
Dòng sông Trà Khúc có ý nghĩa quan trọng trong phát triển đô thị, không gian, cảnh quan cho khu vực trung tâm tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay, tỉnh và TP.Quảng Ngãi đang tiến hành quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị, lấy sông Trà Khúc làm điểm nhấn trong phát triển đô thị. 
Lợi thế của TP.Quảng Ngãi…
Từ năm 2013, khi TP.Quảng Ngãi mở rộng địa giới hành chính ra hướng đông – bắc, với 23 đơn vị hành chính (9 phường, 14 xã), thì dòng sông Trà Khúc đã nằm trọn giữa lòng thành phố. Đến năm 2015, TP.Quảng Ngãi được công nhận là đô thị loại II, đánh dấu một bước ngoặt phát triển mới của thành phố, với nhiều cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức trong việc xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, hài hòa, bền vững. Mục tiêu phát triển đô thị Quảng Ngãi đặt ra mang tính xuyên suốt từ khi “sông về với phố” đến nay là phát triển chủ yếu 3 khu vực chức năng chính, gồm: Trung tâm đô thị lịch sử TP.Quảng Ngãi; đô thị mật độ thấp; đô thị hướng biển Quảng Ngãi.
Thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã tập trung nguồn lực thực hiện các dự án 2 bên bờ sông Trà Khúc, xây dựng trên sông một số công trình mới, từng bước hình thành đô thị hướng biển. Nổi bật là đã đầu tư 2 tuyến đường đẹp nhất Quảng Ngãi hiện nay là đường Hoàng Sa (ở bờ bắc) và đường Trường Sa (bờ nam) sông Trà. Đồng thời, xây dựng thêm nhiều cây cầu lớn, hiện đại bắc ngang sông, vừa phục vụ mục tiêu giao thông, vừa là động lực kết nối, phát triển kinh tế cho tỉnh, nhất là khai thác quỹ đất để tăng thu ngân sách và từng bước hình thành khu đô thị hiện đại.
Góp ý về quy hoạch phát triển đô thị của Quảng Ngãi, Tiến sĩ Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh) cho rằng, tỉnh cần tham khảo mô hình đô thị của một số thành phố trong nước và thế giới có điều kiện tương tự. Từ đó, đề ra giải pháp quy hoạch, kế hoạch thực hiện phù hợp, có sự khác biệt để nhận diện. Nhiều đô thị hiện đại trên thế giới lấy con sông làm trung tâm xây dựng như Venice (Italy), Paris (Pháp), London (Anh) và Thượng Hải (Trung Quốc). Mới đây, TP.Hồ Chí Minh cũng tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, hiến kế phát triển đô thị lấy sông Sài Gòn làm trung tâm. “Tôi muốn nói đến việc tận dụng hai bên sông Trà Khúc để quy hoạch và xây dựng đô thị, tạo cảnh quan và không gian xanh liên hoàn, tạo nơi sinh hoạt cộng đồng. Những công trình này phải gắn kết với nhau để không những phát triển đô thị mà còn kéo theo phát triển văn hóa, du lịch”, Tiến sĩ Võ Trí Thành nói.
…Cần được đánh thức
Những năm gần đây, Quảng Ngãi đã từng bước xây dựng đô thị 2 bên bờ sông và kể từ đó, dòng sông Trà đã dần dần được “đánh thức” để hiện thực hóa khát vọng đô thị xanh, hướng biển của tỉnh. Nhiều công trình, dự án lớn từ ngân sách và ngoài ngân sách, với thiết kế hiện đại, đa mục tiêu đã, đang và sẽ được triển khai thực hiện tại các khu vực dòng sông Trà đi qua.
Cuối năm 2020, cầu Cổ Lũy, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng hoàn thành, nối liền 2 xã Nghĩa Phú và Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Công trình cầu Cổ Lũy không chỉ giữ vai trò tạo điểm nhấn cho đô thị hướng biển của tỉnh, mà còn tạo ra cú huých phát triển kinh tế – xã hội 2 bên bờ sông Trà Khúc, nhất là việc khai thác quỹ đất để hình thành những khu đô thị biển; rút ngắn khoảng cách đi lại cho cư dân 2 bên bờ sông. Đến thời điểm này, Cổ Lũy là cầu đường bộ thứ 5 và là chiếc cầu dây văng duy nhất nối đôi bờ sông Trà Khúc.
Theo kế hoạch vào năm 2023, công trình Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc (tổng vốn đầu tư 1.498 tỷ đồng) sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. Mục tiêu xây dựng công trình này nhằm chống xâm nhập mặn, giữ nước tạo cảnh quan phục vụ phát triển du lịch và đô thị. Tỉnh cũng đang tính toán phương thức vận hành, khai thác có hiệu quả công trình đập dâng bằng việc phát triển đô thị ở thượng lưu và cả hạ lưu công trình. Theo đó, phần thượng lưu sẽ xây dựng các tuyến kè, hình thành bến thuyền du lịch và các hạ tầng khác để phát triển du lịch, tạo cảnh quan xanh. Phía hạ lưu sẽ hình thành Khu đô thị sinh thái Đảo Ngọc (hiện đang được lập quy hoạch chi tiết 1/500).
Hiện nay, Quảng Ngãi đang triển khai dự án Kè chống sạt lở và tôn tạo cảnh quan bờ nam sông Trà (cầu Trà Khúc I- bến Tam Thương), nhằm chỉnh trang khu vực ven sông, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng đô thị, giảm thiểu rủi ro do thiên tai. Dự án có quy mô tuyến kè 1,2km và công viên cây xanh; tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 – 2025. Trong phương án thiết kế kè, có ý tưởng xây dựng một bến tàu du lịch trên sông, phục vụ việc tổ chức các tuyến du lịch bằng thuyền trên sông Trà Khúc, khám phá trung tâm TP.Quảng Ngãi về đêm…
Mới đây, tỉnh cũng đã xúc tiến đầu tư xây dựng mới cầu Trà Khúc 1, với tổng mức đầu tư 1.495 tỷ đồng, để thay thế cầu hiện hữu; đồng thời triển khai xây dựng cầu Trà Khúc 3 (gần 800 tỷ đồng) bắc qua sông Trà, nối huyện Tư Nghĩa với Sơn Tịnh.
Kết nối, mở lối tương lai
Mới đây, tại cuộc họp lấy ý kiến phương án thiết kế dự án Kè chống sạt lở và tôn tạo cảnh quan bờ nam sông Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chỉ đạo phải kết nối dự án này với các dự án khác đã, đang và sẽ thực hiện trên dòng Trà Khúc. Các dự án đã hoàn thành gồm 6 cầu (đoạn qua TP.Quảng Ngãi có 5 cầu); dự án đang trong quá trình hoàn thành là Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc; các dự án đang triển khai là xây dựng phát triển hạ tầng đô thị TP.Quảng Ngãi, dự án chỉnh trị sông Trà Khúc.
Phối cảnh công trình Kè chống sạt lở và tôn tạo cảnh quan bờ nam sông Trà Khúc (đoạn cầu Trà Khúc 1 - bến Tam Thương, TP.Quảng Ngãi).
Phối cảnh công trình Kè chống sạt lở và tôn tạo cảnh quan bờ nam sông Trà Khúc (đoạn cầu Trà Khúc 1 – bến Tam Thương, TP.Quảng Ngãi).
Dự án Xây dựng phát triển hạ tầng đô thị TP.Quảng Ngãi là dự án vốn vay Ngân hàng Thế giới, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.150 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2023 – 2028. Dự án gồm 4 hợp phần, trong đó hợp phần 1 là xây dựng hệ thống thoát nước mưa kết hợp kè chống sạt lở cho sông, kênh hiện trạng và cải tạo các hồ trên địa bàn TP.Quảng Ngãi. Hợp phần 2 là xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Hợp phần 3 là xây dựng tuyến đường trục chính (nối từ Quốc lộ 1 đến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh) và hợp phần 4 là cầu Trà Khúc 1. Dự án này khi hoàn thành sẽ kết nối với các dự án khác tạo ra hạ tầng liền mạch, tiện tích và đảm bảo các mục tiêu khi phát triển đô thị phải đi đôi với chống ngập lụt hiệu quả.
Cân bằng giữa yếu tố nhân tạo với tự nhiên
Phát biểu chỉ đạo về kết nối các dự án trên sông Trà Khúc, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho rằng, từ xa xưa, chính dòng nước đã đem lại nền tảng cho sự sống, xây dựng nên những nền văn minh nhân loại. Vì vậy, việc lấy sông Trà Khúc làm trung tâm phát triển đô thị là đúng đắn, nhưng phải chú trọng công tác quy hoạch, đảm bảo sự thuận tiện về giao thông, thủy lợi, nét hài hòa trong kiến trúc, cũng như lợi ích chung của toàn xã hội. Quy hoạch phải hướng đến sự cân bằng giữa yếu tố nhân tạo với tự nhiên, không xây dựng tùy tiện làm cho dân cư mất cơ hội tiếp cận không gian xanh của sông nước. Muốn làm được điều này, tỉnh phải xây dựng cơ chế, tích hợp các nguyên tắc tài chính, đất đai đặc thù và phù hợp.
Theo Báo Quảng Ngãi

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo