Năm 2023, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt mức cao kỷ lục (36,6 tỷ USD); đồng thời vốn giải ngân cũng đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay (23,18 tỷ USD). Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn và an toàn nên đang có làn sóng đầu tư vào Việt Nam với các dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghệ, điện tử…
Thế nhưng, cần lưu ý rằng, mức tăng cao của tháng 1-2024 so với cùng kỳ năm trước là dựa trên mức nền khá thấp: tháng 1-2023, tổng vốn đầu tư đăng ký chỉ đạt 1,69 tỷ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022. Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn bớt chuỗi cung ứng. Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và một số nước Liên minh châu Âu (EU) đều đang cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng cường ưu đãi đầu tư trong nước để thu hồi vốn đầu tư nước ngoài.
Thêm vào đó, đồng tiền của Hàn Quốc, Nhật Bản – 2 nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam – bị mất giá 20%-25% nên ảnh hưởng đến đầu tư ra nước ngoài. Một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia với nguồn lực tốt hơn đã giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, việc các nước áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm mất đi ý nghĩa của những hình thức ưu đãi truyền thống (như ưu đãi về thuế, đất đai…) trong cạnh tranh thu hút đầu tư.
Giải pháp tất yếu mà Việt Nam phải nỗ lực tối đa để thực hiện là không ngừng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, khẳng định vị trí của mình trong bản đồ đầu tư nước ngoài. Trong đó, thủ tục hành chính “sau đầu tư” như: đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy… còn bất cập, cần sớm tháo gỡ, bởi đây chính là điều mà các nhà đầu tư đang làm ăn kinh doanh tại nước ta phàn nàn nhiều hơn cả. Đối với những nhà đầu tư đang làm ăn kinh doanh tại Việt Nam, yếu tố then chốt khiến họ sẵn sàng tiếp tục mở rộng đầu tư chính là sự ổn định của chính sách, đặc biệt là các cam kết đã ký kết.
Cùng với đó, để dòng vốn này mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất cho Việt Nam, cần có cơ chế ưu đãi tương xứng để “nắn dòng” đầu tư vào các ngành cần ưu tiên như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trung tâm tài chính, sản xuất chip bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo; xác định rõ các tập đoàn đa quốc gia tiềm năng có công nghệ, có nguồn lực tài chính trong các lĩnh vực trên để chủ động tiếp cận, trao đổi và xúc tiến đầu tư.
Không thừa khi nhắc lại rằng, cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi thủ tục sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như: đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan… cùng với việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng, nguồn nhân lực vẫn còn là những yêu cầu bức thiết, đòi hỏi nỗ lực thường xuyên, liên tục để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Nhưng chỉ như thế vẫn chưa đủ để vượt trội so với các “đối thủ” cạnh tranh rất mạnh khác trên thế giới và trong khu vực. Trong tương lai, vấn đề không chỉ là “không gây khó dễ” hay “tháo gỡ khó khăn” mà phải xây dựng cho được một nền hành chính kiến tạo với giải pháp thiết thực, cụ thể để hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả làm ăn kinh doanh. Có như vậy, sự khởi đầu thuận lợi trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài không chỉ là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế những ngày đầu năm mới 2024, mà còn có thể phát huy được tác dụng, thúc đẩy phát triển trong hiện tại và bền vững cho tương lai!
Báo Sài Gòn Giải Phóng