Khó khăn trong triển khai dự án, nhưng doanh nghiệp vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư, tiềm năng lĩnh vực điện gió Việt Nam

Tập trung thảo luận những khó khăn, đồng thời đề xuất phương án giải quyết trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp điện gió là nội dung chính của buổi làm việc giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số địa phương, doanh nghiệp và Hội đồng năng lượng gió toàn cầu.

Những khó khăn phát sinh

Trong buổi làm việc theo hình thức trực tuyến vào chiều ngày 19/10/2021 tại Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các đại biểu, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đang đầu tư trong lính vực điện gió tại Việt Nam luôn được Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương liên quan và Cục Đầu tư nước ngoài quan tâm, để từ đó có thể nghiên cứu đưa ra các chính sách giải quyết một cách nhanh chóng, hiệu quả. Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng đồng cảm chia sẻ những khó khăn các doanh nghiệp gặp phải và khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành các doanh nghiệp, đề ra nhiều  giải pháp về kiểm soát dịch bệnh, giải pháp hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh….

Phân tích những khó khăn cụ thể trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vừa diễn ra hết sức phức tạp. Chủ tịch Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) Ben Backwell, Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á, GWEC Mark Huthinso, cùng đại diện môt số doanh nghiệp chỉ rõ, những tồn tại trong cơ chế giá điện gió cố định (FIT), những yếu thế từ phía các doanh nghiệp trong đàm phán FIT, khó khăn trong di chuyển các thiết bị chuyên dụng phục vụ thi công dự án, khó khăn trong tiếp cận dự án từ phía các chuyên gia và người lao động; cũng như các khó khăn về tài chính, ngân hàng… trong bối cảnh dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo các đại biểu, những khó khăn vướng mắc đó nếu không được giải quyết kịp thời trong thời gian tới, thông qua việc hoạch định và triển khai nhanh chóng các chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ có thể tiếp tục gây ra nhiều bất lợi trong kinh doanh của doanh nghiệp điện gió.

Từ các thực tiễn đang vướng mắc, đại diện các tổ chức và doanh nghiệp điện gió đưa ra các kiến nghị, trong đó GWEC nhấn mạnh cơ chế FIT có thể coi là bước ngoặt quan trọng của Chính phủ từ đó có thể đưa ra cam kết dài hạn cho các nhà đầu tư trong ngành điện gió trên bờ, nguồn tài nguyên tiềm năng đã được các nhà đầu tư cam kết đầu tư, với việc hiện đang phát triển khoảng 6,6 triệu KW điện gió trên bờ ở Việt Nam, đề xuất lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá điện gió cố định (FIT) cho các dự án điện gió đủ điều kiện…Bên cạnh đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các dự án đang thi công trong bối cảnh dịch bệnh, cũng cần các địa phương tính toán, áp dụng hợp lý và khoa học.

Tin tưởng vào tiềm năng thị trường điện gió

Với nhiều khó khăn đang gặp phải, tuy nhiên các doanh nghiệp điện gió cũng khẳng định tại hội thảo về niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường đầu tư tại Việt Nam và thị trường tiềm năng của lĩnh vực điện gió. Các doanh nghiệp, tổ chức nhận định không chỉ có những doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam hiện nay, mà còn nhiều doanh nghiệp EU cũng như một số quốc gia có tiềm lực kinh tế vẫn đang quan tâm đến Việt Nam và sẽ có nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực điện gió tại một số địa phương của Việt Nam.

Các đại biểu tin tưởng, từ những hỗ trợ quan trọng, kịp thời trong thời gian diễn ra dịch bệnh nghiêm trọng và hiện nay cũng như sắp tới từ phía các cơ quan như Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam…sẽ giúp các doanh nghiệp hoàn thành những dự án dang dở, thúc đẩy và mở rộng các dự án đã  triển khai thành công. Qua đó, tiếp tục tạo ra môi trường đầu tư tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi trong lĩnh vực điện gió.

Tại hội thảo, đại diện 03 địa phương tập trung nhiều dự án điện gió là Sóc Trăng, Bến Tre và Bình Thuận đã thông tin tới các đại biểu về một số cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió, những nỗ lực của địa phương trong thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Các địa phương chia sẻ những khó khăn nhà đầu tư đang gặp phải trong công tác giải phóng mặt bằng, việc thực hiện công tác cách ly, phong tỏa phòng chống dịch bệnh, công tác vận chuyển thiết bị…và khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tối đa tới doanh nghiệp trong thời gian tới

Kết luận buổi làm việc, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng một lần nữa chia sẻ và cảm thông những vướng mắc doanh nghiệp điện gió gặp phải, đồng thời cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả của các địa phương trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp thành viên của GWEC triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh. GWEC cần hướng dẫn các doanh nghiệp thành viên thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp điện gió tại các địa phương chủ động liên hệ, trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính quyền địa phương để giải quyết các vướng mắc và thống nhất phương án tổ chức sản xuất, đi lại, ăn ở của người lao động, bảo đảm an toàn phòng chống, dịch.

Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, tổng hợp và báo cáo Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, để áp dụng phù hợp tại Việt Nam.

Chủ tịch GWEC Ben Backwell  đánh giá cao hiệu quả của buổi làm việc giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số doanh nghiệp, địa phương để cùng nhau tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tin tưởng với sự hợp tác thiện chí, chặt chẽ giữa các bên sẽ giúp vượt qua khó khăn. Ông Ben Backwell cũng mong muốn GWEC tiếp tục góp phần xây dựng một nền năng lượng điện gió mang tầm thế giới, thúc đẩy lĩnh vực điện gió trở thành ngành công nghiệp bền vững tại Việt Nam.

B.K

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo