Theo đại diện Tổng cục Thống kê, số lượng các dự án cấp mới quy mô dưới 5 triệu USD có xu hướng giảm, trong khi số lượng các dự án quy mô trên 50 triệu USD có xu hướng tăng. Đáng chú ý, một số dự án quy mô hàng tỷ USD, gồm dự án điện khí của Singapore tại Long An, dự án nhiệt điện của Nhật Bản tại Cần Thơ, hay dự án sản xuất màn hình điện tử của Hàn Quốc tại Hải Phòng.
“Giữa cuối tháng 9 và bắt đầu từ tháng 10, các tỉnh phía Nam bắt đầu bước vào giai đoạn bình thường mới ở mức độ thận trọng. Chính vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng khó khăn này chỉ là nhất thời, không có chuyện doanh nghiệp FDI sẽ có khả năng rời khỏi thị trường Việt Nam”, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) Chu Hải Vân nhận định.
Đồng tình với quan điểm này, một số tổ chức quốc tế cũng cho rằng, dòng vốn FDI vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn.
“Bấp chấp tình cảnh hiện tại, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh, cùng một loạt các hiệp định thương mại tự do, sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do COVID-19. Nhu cầu hiện tại của thị trường châu Âu và Bắc Mỹ đang phục hồi sẽ mang lại tác động tích cực lên xuất khẩu hàng công nghệ, máy móc, da giày, dệt may, nội thất, thực phẩm và nông sản”, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans cho hay.
“Các quốc gia khác trong khu vực cũng chịu tác động tương tự từ đại dịch và Việt Nam không phải trường hợp duy nhất. Trong khi đó, đợt dịch bùng phát thứ 4 mới tác động trong vài tháng, và chỉ mang tính ngắn hạn. Còn sự dịch chuyển dòng vốn cần cân nhắc kỹ lưỡng trong trung và dài hạn”, Giám đốc ADB Việt Nam Andrew Jeffries cho biết.
Số liệu 9 tháng cũng cho thấy, tổng số vốn nước ngoài đăng ký cấp mới và đăng ký điều chỉnh đều có mức tăng tới hơn 20%.
Theo VTV.vn