Việt Nam và Nhật Bản cần phải tăng cường hợp tác để thiết lập nền tảng pháp lý và định hướng chính sách vững chắc nhằm triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Hội thảo do JICA phối hợp Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, nhằm đánh giá thực trạng khung pháp lý về nền kinh tế tuần hoàn và đưa ra khuyến nghị quan trọng để phát triển khung Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn (viết tắt là NAPCE) dựa trên kinh nghiệm và kiến thức của Nhật Bản.
JICA đã hợp tác cùng ISPONRE thực hiện Khảo sát về Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam kể từ tháng 1/2022.
Gần 80 đại biểu từ các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu và doanh nghiệp đã tham dự hội thảo và thảo luận sôi nổi về dự thảo khung Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, đã được Quốc Hội thông qua vào năm 2020, nhằm chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính của Việt Nam sang nền kinh tế tuần hoàn và thiết lập một xã hội bền vững.
Kinh tế tuần hoàn được định nghĩa là một giải pháp có hệ thống giúp giải quyết các khủng hoảng toàn cầu như biến đổi khí hậu, chất thải nhựa và ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, dưới tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế tuần hoàn sẽ là một công cụ mạnh mẽ để có thể phục hồi nền kinh tế và xã hội theo hướng thân thiện với môi trường.
Chia sẻ về khung chính sách kinh tế tuần hoàn của Nhật Bản
Các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ những kinh nghiệm và bài học Nhật Bản đã đúc kết từ quá trình phát triển khung chính sách cho nền kinh tế tuần hoàn, cũng như cách Nhật Bản thực hiện những chính sách đó nhằm đạt mục tiêu đã đề ra trong Tầm nhìn Kinh tế tuần hoàn năm 2020 của Nhật Bản.
Kinh tế tuần hoàn được định nghĩa là một vòng tuần hoàn của nền kinh tế, chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính “khai thác-sản xuất-xả thải” sang một chu trình tập trung vào việc tái sử dụng-tái sản xuất-tái chế nhằm giữ cho sản phẩm tuần hoàn càng lâu càng tốt và tái tạo những vật liệu chúng ta đã dùng nhiều hết mức có thể.
Ông Adachi Ichiro, Chuyên gia Quản lý môi trường của JICA tại Bộ Tài nguyên và Môi trường giải thích về lịch sử phát triển chính sách Kinh tế tuần hoàn và tinh thần truyền thống “Mottainai” (có nghĩa là “Không lãng phí”) bao quát khái niệm kinh tế tuần hoàn.
Dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc phát triển khung chính sách kinh tế tuần hoàn, từ luật cơ bản đầu tiên tập trung vào khái niệm về một xã hội tuần hoàn vật chất được ban hành năm 1999 đến tầm nhìn của kinh tế tuần hoàn xây dựng vào năm 2020, ông Adachi cho rằng, để xây dựng Kế hoạch quốc gia về kinh tế tuần hoàn cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân và cần lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên đưa vào kế hoạch hành động.
Vào năm 1999, do khó khăn trong việc xử lý chất thải công nghiệp và thách thức trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã cho ra đời tài liệu Tầm nhìn Kinh tế tuần hoàn.
Đây là một trong những cam kết đầu tiên trên thế giới về giảm thiểu rác thải công nghiệp và hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Dựa trên tầm nhìn đó, Nhật Bản đã có những cải thiện đáng kể trong việc thúc đẩy trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), tăng tỷ lệ tái chế và mở rộng các doanh nghiệp liên quan đến môi trường.
Nhằm thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế tuần hoàn ở Nhật Bản, vào năm 2020, Tầm nhìn Kinh tế tuần hoàn được cập nhật nhằm khuyến khích chuyển đổi sang chu trình phát triển kinh tế và môi trường lành mạnh, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng biến đổi khí hậu hiện nay.
Góp ý đề xuất cho Việt Nam trong việc phát triển lộ trình thực hiện nền kinh tế tuần hoàn
Nhằm xây dựng một khung chính sách chặt chẽ để chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính hiện nay sang nền kinh tế tuần hoàn sau khi Luật Bảo vệ môi trường mới có hiệu lực vào tháng 1/2022, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP, công bố các quy định cụ thể về việc thực hiện nền kinh tế tuần hoàn và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn.
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia Nhật Bản đã trình bày kết quả nghiên cứu cùng các khuyến nghị về việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, ISPONRE và Chính phủ Việt Nam nhằm xác định lộ trình thực hiện Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Các chuyên gia nhắc lại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam ngày 28/6, tại đây, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tái khẳng định tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn cùng với kinh tế xanh và kinh tế phát thải carbon thấp là giải pháp có hệ thống giúp Việt Nam vững bước trên con đường phát triển bền vững và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đồng thời, Bộ trưởng tin rằng, sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản cho nhiệm vụ phát triển Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn là vô cùng quan trọng để hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Trước đây, JICA đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ trong công tác quản lý chất thải tại Việt Nam thông qua thúc đẩy mô hình 3R (Giảm thiểu, Tái sử dụng, Tái chế) và phân loại rác thải tại nguồn.
Kinh nghiệm của Nhật Bản trong quá trình định hình nền kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là xây dựng khung pháp lý và các chính sách thúc đẩy các hoạt động 3R, hợp tác giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương và tăng cường quan hệ đối tác với khu vực tư nhân, sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho việc cân nhắc các yếu tố then chốt trong Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn.
Ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cho biết: “Đã đến lúc chúng ta cần phải tăng cường hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thiết lập nền tảng pháp lý và định hướng chính sách vững chắc nhằm triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Khảo sát này không chỉ hỗ trợ ISPONRE phát triển khung Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn mà còn cung cấp cái nhìn tổng thể về hệ thống lập pháp và các hoạt động về kinh tế tuần hoàn đang diễn ra tại Việt Nam. Do đó, khảo sát này sẽ giúp xác định những bất cập còn tồn đọng, từ đó giúp chúng tôi xây dựng các dự án hợp tác kỹ thuật trong tương lai giữa JICA và Bộ Tài nguyên và Môi trường”.
Tiến sĩ Mai Thế Toản, Phó Viện Trưởng ISPONRE khẳng định, kết quả khảo sát của JICA sẽ rất hữu ích cho việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn sắp tới. Ông hy vọng, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng dự án hợp tác kỹ thuật về kinh tế tuần hoàn, tập trung vào công tác quản lý chất thải bền vững.