Hợp tác công-tư xây dựng vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025

Các đại biểu tham gia thảo luận tại chương trình.

Ngày 25/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk phối hợp Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH), Công ty JDE tổ chức họp Ban Chỉ đạo Chương trình cảnh quan bền vững tỉnh Đắk Lắk năm 2022 và thảo luận định hướng xây dựng vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh và các tập đoàn, doanh nghiệp thu mua, rang xay cà-phê lớn như Simexco, Intimex DakLak, Nedspice, Dakman,Vietspice, Nestle, Tchibo, LDC, Sucden, Mascopex, Chánh Thu, Vinacafe, Vĩnh Hiệp…

Trong năm 2021, mặc dù các hoạt động hiện trường bị ảnh hưởng khá nhiều do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tổ chức IDH cùng các đối tác công-tư đã hoàn thành khảo sát thực trạng sản xuất, canh tác cà-phê và cây trồng xen trên địa bàn 2 huyện Krông Năng và Cư M’gar, tổng hợp, phân tích, đánh giá các thuận lợi và khó khăn. Từ đó, hỗ trợ xây dựng 8 hồ sơ đề xuất, tiểu dự án với quy mô bao phủ toàn bộ 2 huyện gồm 60.858ha cà-phê, 8.465ha hồ tiêu và 8.167ha cây ăn quả các loại.

Hiện các hồ sơ, tiểu dự án này đã được phê duyệt tài trợ, các hợp đồng thực hiện sẽ sớm được ký kết và bước vào giai đoạn triển khai trong quý II/2022.

Chương trình cảnh quan bền vững tỉnh Đắk Lắk được triển khai từ năm 2014, nhằm thúc đẩy hợp tác công-tư trong phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo đảm sinh kế cho cộng đồng, với nguồn vốn tài trợ từ chính phủ Thụy Sĩ, Hà Lan và Đan Mạch.

Hợp tác công-tư xây dựng vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 -0

Các đơn vị ký kết phối hợp thực hiện Chương trình sản xuất bền vững kết hợp với bảo tồn tài nguyên và an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025.

Năm 2016, Ban Chỉ đạo Chương trình Cảnh quan bền vững tỉnh Đắk Lắk được thành lập, tạo sự đột phá trong phương pháp tiếp cận từ hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất cà-phê đạt chứng chỉ bền vững, sang liên kết sản xuất theo chuỗi, phối hợp can thiệp trên cấp độ cảnh quan. Trong giai đoạn thí điểm từ 2016-2020, phối hợp các nhà rang xay cà-phê như JDE, Lavazza, các công ty như OLAM, ACOM, SIMEXCO, LDC, chương trình đã xây dựng được hơn 200 mô hình trình diễn ở quy mô nông hộ tại 28 xã thuộc 8 huyện của tỉnh Đắk Lắk với hơn 6.500 nông dân được hưởng lợi trực tiếp.

Theo kết quả đánh cuối giai đoạn thí điểm, chương trình đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tạo tiền đề cho kế hoạch nhân rộng giai đoạn 2021-2025. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị tổ chức IDH tiếp tục hỗ trợ tỉnh xây dựng Đề án Phát triển vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn cấp tỉnh cho tỉnh Đắk Lắk theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đề án cấp tỉnh sẽ được xây dựng theo tiếp cận cảnh quan và cơ chế vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn cho các cây trồng chính trong vùng như cà-phê, hồ tiêu, cây ăn trái.

Theo đề án, các bên cùng hướng tới xây dựng Đắk Lắk trở thành vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn, được các nhà mua toàn cầu và các đối tác trong, ngoài nước công nhận, biết đến rộng rãi trong giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030, đồng thời là cơ sở để xây dựng Đề án cấp quốc gia.

Tại chương trình, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Ủy ban nhân dân 2 huyện Krông Năng và Cư M’gar, tổ chức IDH và các doanh nghiệp JDE, Intimex, Simexco, Nedspice, DakMan, Sucden, Chánh Thu và Hương Cao Nguyên đã ký kết phối hợp thực hiện Chương trình sản xuất bền vững kết hợp với bảo tồn tài nguyên và an sinh xã hội trên địa bàn huyện Krông Năng và Cư M’gar giai đoạn 2021-2025, với tổng kinh phí thực hiện hơn 15,5 triệu euro được huy động và lồng ghép từ tất cả các bên tham gia.

Trong giai đoạn này, chương trình hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững như: nâng cao năng lực sản xuất bền vững cho 85% nông dân thông qua các lớp tập huấn về sản xuất bền vững, sản xuất có trách nhiệm, bình đẳng giới, lao động trẻ em; 70% nông dân áp dụng các thực hành nông nghiệp GAP; 70% nông sản vùng Chương trình được thu mua thông qua liên kết chuỗi, với hệ thống thông tin minh bạch.

Về bảo tồn tài nguyên: 85% diện tích đất nông nghiệp trong vùng Chương trình được bảo tồn và phục hồi thông qua việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân sinh học, giảm phân bón hóa học và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm; tăng cường trồng cây che bóng, cây chắn gió và duy trì thảm phủ; áp dụng các phương pháp tưới nước có kiểm soát, tưới nước tiết kiệm và bảo tồn nguồn tài nguyên nước.

Đối với an sinh xã hội: tăng 15%-20% thu nhập cho 42% hộ dân thông qua giảm chi phí đầu vào, đa dạng nguồn thu từ cây trồng xen, nâng cao chất lượng sản phẩm và kết nối thị trường; đóng góp cho mục tiêu giảm nghèo vùng Chương trình từ 8,7% xuống còn 5,5% vào năm 2025…

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo