Họp Ban Chỉ đạo Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” 

Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế Lê Thành Quân, Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát biểu. Ảnh: MPI
Ngày 25/02/2022, cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án “Triển khai khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thành Quân, Giám đốc Ban Quản lý Dự án – Thường trực Ban Chỉ đạo Dự án.

Ban Chỉ đạo Dự án đã được thành lập vào tháng 9/2020 nhằm đưa ra định hướng chung cho việc thực hiện Dự án, quyết định các vấn đề chiến lược gồm phê duyệt các kế hoạch hàng năm về thực hiện và tiến độ Dự án. Với mục tiêu đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng UNIDO, cơ quan đồng thực hiên Dự án tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án để đánh giá tình hình triển khai năm 2021 và xây dựng kế hoạch triển khai trong năm 2022.Phát biểu tại cuộc họp, Vụ trưởng Lê Thành Quân cho biết, Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt Văn kiện Dự án tại Quyết định số 702/QĐ-BKHĐT ngày 05/8/2020 từ nguồn viện trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).

Mục tiêu của Dự án là nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam thông qua triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái. Dự án được xây dựng dựa trên các kết quả Dự án KCN sinh thái do SECO và GEF tài trợ giai đoạn 2015-2019 và được SECO tài trợ giai đoạn 2020-2023 cùng các kinh nghiệm quốc tế về phát triển KCN sinh thái của UNIDO. Điều này đã góp phần nhân rộng mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam, phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc cũng như cam kết thực hiện mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Việt Nam là một trong hai nước (trên tổng số bảy nước thuộc Chương trình) đạt tiến độ giải ngân theo dự kiến, được Nhà tài trợ đánh giá rất cao tại Hội nghị đánh giá giữa kỳ của Chương trình KCN sinh thái toàn cầu.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Dự án đã hoàn thành việc phân tích, cập nhật các chính sách liên quan đến KCN sinh thái, tiến hành các hoạt động đánh giá giữa kỳ, cũng như việc xây dựng văn bản pháp quy đạt kết quả tốt trong năm 2021. Việc Việt Nam đã xây dựng các khung chính sách về KCN sinh thái ngay từ ban đầu đã được cộng đồng quốc tế khen ngợi. Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo dự án sẽ xây dựng các chương trình đào tạo về KCN sinh thái cho các bên liên quan thông qua các hình thức trực tuyến, trực tiếp và đẩy mạnh các hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án.Tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Giám đốc Dự án Vương Thị Minh Hiếu đã báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện Dự án trong năm 2021. Dự án được thực hiện với 02 hợp phần là: Tăng cường năng lực và lồng ghép các chính sách về KCN sinh thái trong chính sách KCN quốc gia tại Việt Nam và Hỗ trợ các địa phương chuyển đổi các KCN thông thường sang KCN sinh thái.

Trình bày về kế hoạch thực hiện năm 2022, Chuyên gia Kỹ thuật Quốc gia UNIDO Nguyễn Trâm Anh cho biết, Dự án sẽ tập trung vào 04 hoạt động chính: hỗ trợ tăng cường thể chế quốc gia trong xây dựng và triển khai các chính sách đối với KCN sinh thái; thực hiện các hoạt động truyền thông, chính sách nhằm phổ biến và nâng cao nhận thức về KCN sinh thái; tăng cường năng lực của các KCN và doanh nghiệp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về KCN sinh thái; tiến hành triển khai thực hành về KCN sinh thái tại các KCN thí điểm.

Tại cuộc họp, đại diện từ SECO, UNIDO, GEF và các địa phương đã có đề xuất về việc gia hạn thời gian thực hiện của Dự án; việc tuyển chọn thêm cán bộ địa phương hỗ trợ Dự án; tăng cường sự hỗ trợ, liên kết giữa các bộ ngành và các KCN để hỗ trợ hoạt động của Dự án.

Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo