Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển dịch vụ logistics tỉnh Phú Thọ năm 2024

Ngày 26 tháng 3 năm 2024, tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển dịch vụ logistics tỉnh Phú Thọ năm 2024.

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Yên Bái, Tuyên Quang và các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị của tỉnh; đại diện các hiệp hội, hội doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Phát biểu chào mừng hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, với vị trí trung tâm tiểu vùng Tây – Đông – Bắc, ngã ba hội tụ 3 con sông gồm: sông Hồng, sông Đà và sông Lô, Phú Thọ là đầu mối giao thông quan trọng cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy trong khu vực miền Bắc, kết nối trung chuyển hàng hóa cho các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, Phú Thọ nằm trong vành đai của nhiều tuyến trục giao thông quan trọng như tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh nên có nhiều lợi thế về giao thông, đầu tư phát triển dịch vụ logistics để tham gia vào từng khâu của quá trình lưu thông hàng hóa.

Ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)
 phát biểu chào mừng Hội nghị

Với nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa kinh tế và nguồn nhân lực phong phú được đào tạo cơ bản, Phú Thọ hội tụ nhiều điều kiện riêng có để phát triển trở thành một cực tăng trưởng của Vùng động lực tiềm năng Bắc Giang – Thái Nguyên – Phú Thọ, trung tâm kết nối giao thương kinh tế – thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN.

Thực tế trong những năm gần đây, dịch vụ logistics đã ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Phú Thọ. Đây là yếu tố quan trọng trong chuỗi lưu thông hàng hóa, tạo ra giá rị tăng thêm cho hàng hóa và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và cho cả tỉnh.

Bên cạnh đó, hoạt động logistics tại Phú Thọ vẫn còn bộc lộ một số hạn chế lớn như: (i) chưa có Trung tâm logistics tương xứng (ii) Sự liên kết về logistics giữa Phú Thọ với các tỉnh và giữa các vùng sản xuất, chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu là nguyên nhân khiến chi phí logistics tăng, thời gian vận chuyển bị kéo dài (iii) Số lượng doanh nghiệp khá nhiều nhưng đa số quy mô nhỏ, chủ yếu cung cấp dịch vụ đơn lẻ, thiếu tính liên kết, ứng dụng công nghệ trong thương mại điện tử còn ở mức chưa cao (iv) Chưa có cơ chế, chính sách mang tính đột phá để hỗ trợ cho hoạt động logistics phát triển xứng tầm.

Để tiếp tục phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển nhanh và bền vững, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào sự phát triển chung của tỉnh, Ông Nguyễn Anh Sơn đề nghị chính quyền tỉnh Phú Thọ (i) tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng tại Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ, các nghị quyết, chính sách, chiến lược phát triển của Đảng, Nhà nước, Chính phủ có liên quan đến Vùng Trung du và miền núi phía Bắc để làm căn cứ hoạch định và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển dịch vụ logistics bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương (ii) tập trung triển khai Kế hoạch số 292/KH-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi để thu hút các nguồn lực xã hội (iii) tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Đẩy mạnh hợp tác logistics với các địa phương trên các tuyến hành lang kinh tế, vùng động lực “Bắc Giang – Thái Nguyên – Phú Thọ”, khai thác triệt để lợi thế vận tải đường thủy trên 3 con sông (sông Hồng, sông Đà, sông Lô). Tăng cường đổi mới công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối cung cầu ở cả thị trường trong nước và quốc tế… (iv) đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong logistics ở cả lĩnh vực quản lý và kinh doanh dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh…(v) quan tâm đầu tư hơn nữa cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao tại chỗ; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích các chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế số, đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ logistics trong tình hình mới.

Tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã cập nhật về chính sách và định hướng phát triển logistics Việt Nam; triển khai một số nội dung Nghị định số 163 của Chính phủ; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics; đặc biệt là 2 trung tâm logistics cấp tỉnh và 1 trung tâm logistics cấp vùng đã được quy hoạch tại tỉnh Phú Thọ.

Toàn cảnh Hội nghị

Đại diện các Sở, ngành của tỉnh Phú Thọ thông tin một số nét về tình hình kinh tế xã hội, về quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực trạng hạ tầng và quy hoạch hạ tầng logistics, tiềm năng phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn;…

Các đại biểu cùng nhau thảo luận, trao đổi, tư vấn các giải pháp, định hướng phát triển logistics của tỉnh; định hướng và giải pháp để thu hút đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Các ý kiến đều khẳng định Phú Thọ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển logistics cấp vùng với hệ thống giao thông kết nối, có sự gắn kết giữa ba phương thức đường bộ, đường thủy, đường sắt; gần cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài; có nguồn lao động dồi dào… Tuy nhiên, việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn như: Chưa phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa; trên địa bàn chưa có doanh nghiệp đầu mối đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ dịch vụ logistics… Việc Phú Thọ tiếp tục thực hiện các giải pháp để thu hút đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích phát triển dịch vụ logistics, xúc tiến thương mại, phát triển cảng đường thủy sẽ góp phần hỗ trợ, kết nối, tạo lợi thế và nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải khẳng định, thu hút đầu tư phát triển mới hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội, nhất là phát triển công nghiệp, dịch vụ. Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải đề nghị Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giới thiệu các doanh nghiệp, đối tác đầu tư, phát triển dịch vụ logistics hợp tác đầu tư tại tỉnh Phú Thọ. Các địa phương, ngành Công Thương trong khu vực có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa, cùng tăng cường đẩy mạnh hợp tác để phát triển thị trường dịch vụ logistics. Các hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục phát huy vai trò cầu nối, phối hợp chặt chẽ với tỉnh để hỗ trợ, giới thiệu các đối tác, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực logistics.

Các sở, ngành, địa phương và Chi cục Hải quan của tỉnh tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Sở Công Thương là đầu mối, cơ quan chủ trì tiếp nhận các thông tin, giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến đầu tư trong lĩnh vực logistics; tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình của tỉnh để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng chí mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động tìm hiểu thông tin về môi trường đầu tư tại tỉnh, các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, logistics… Tỉnh Phú Thọ cam kết sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình nghiên cứu, đầu tư, hoạt động trên địa bàn.

Trong khuôn khổ Hội nghị, chiều ngày 26 tháng 3 năm 2024, các đại biểu cũng đã khảo sát thực địa tại trung tâm logistics và cảng Hải Linh và 02 địa điểm quy hoạch trung tâm logistics của tỉnh tại xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao (quy hoạch trung tâm logistics cấp tỉnh) và xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (quy hoạch trung tâm logistics cấp vùng).

Đoàn doanh nghiệp khảo sát địa điểm quy hoạch Trung tâm logistics cấp Vùng
 tại huyện Tam Nông

Cục Xuất nhập khẩu

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo