Sáng ngày 5/3/2024, Thái Bình tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào địa bàn. Tham dự Hội nghị có khoảng 350 – 400 đại biểu là các nhà đầu tư, doanh nghiệp; đại diện một số tổ chức xúc tiến đầu tư, cơ quan ngoại giao trong nước và nước ngoài; tổ chức quốc tế; đại diện Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương địa phương….trong đó có đại điện Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài và Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc.
Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư vào địa bàn năm 2024 nhằm cung cấp thông tin cơ bản về định hướng quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; giới thiệu quảng bá tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi, danh mục dự án ưu tiên để thu hút đầu tư năm 2024 của tỉnh; đồng thời nâng cao vai trò, nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân trong tổ chức, giám sát thực hiện quy hoạch…
Tại hội nghị, UBND tỉnh Thái Bình trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thỏa thuận hợp tác cho các nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chương trình hội nghị, có các gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh về công nghiệp, nông nghiệp và giới thiệu về các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; triển lãm hệ thống bản đồ Quy hoạch tỉnh; hình ảnh và các loại tài liệu xúc tiến đầu tư, sản xuất – kinh doanh, thương mại trên địa bàn tỉnh.
Lễ khởi công nhà máy Pegavision Việt Nam tại khu công nghiệp Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy cũng được Thái Bình tổ chức trước thời gian diễn ra Hội nghị. Nhà máy sản xuất kính áp tròng với quy mô 10ha, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD, doanh thu dự kiến vào năm sản xuất ổn định khoảng 2.800 tỷ đồng/năm.
Trước đó, ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1735/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một trong những định hướng, quan điểm quan trọng được nhấn mạnh trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình là phát triển kinh tế nhanh, toàn diện, đồng bộ trên cả ba phương diện kinh tế – văn hóa – xã hội; trong đó, lấy phát triển kinh tế công nghiệp và kinh tế đô thị làm động lực để thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, nông nghiệp và các lĩnh vực văn hóa – xã hội; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển công nghệ số và thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm xây dựng và quản lý đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, tiết kiệm tài nguyên và mang bản sắc riêng; phát triển, mở rộng mạng lưới hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, đồng bộ; đồng thời, ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính đột phá và các tuyến kết nối đến vùng kinh tế phía Tây Bắc, phía Đông Bắc, phía Đông Nam, Khu kinh tế Thái Bình, các khu công nghiệp, khu du lịch nhằm tạo lợi thế cạnh tranh mới, rút ngắn khoảng cách phát triển với các tỉnh trong khu vực.
Trung tâm XTĐT phía Bắc