Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website kinh doanh, vượt “bão” Covid – 19

Trong bối cảnh dịch Covid – 19 có nhiều diễn biến phức tạp trên cả nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng, cách thức kinh doanh trực tuyến dần “soán ngôi” hình thức kinh doanh truyền thống. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD). Trên cơ sở đó, ngành Công thương đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DN xây dựng website miễn phí, giúp DN quảng bá thương hiệu, sản phẩm, vượt qua khó khăn trước “đại dịch”.

Hiện nay, toàn tỉnh có 5 DN cung cấp dịch vụ điện thoại gồm: VNPT Vĩnh Phúc, Viettel Vĩnh Phúc, Mobifone Vĩnh Phúc, Vietnamobile và Công ty Di động Toàn cầu Gtel với 2.700 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 3G, 4G và 2 trạm 5G của Viettel; gần 1,2 triệu thuê bao điện thoại di động (trong đó có hơn 900.000 thuê bao sử dụng điện thoại thông minh); 3 DN cung cấp dịch vụ internet gồm: VNPT Vĩnh Phúc, Viettel Vĩnh Phúc và FPT Vĩnh Phúc với gần 200.000 thuê bao internet băng rộng cố định và trên 760.000 thuê bao internet băng rộng di động.

Đây là lợi thế để các DN, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh mở rộng hoạt động SXKD thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt là việc sử dụng các website để quảng bá sản phẩm và dịch vụ.

Bên cạnh việc quảng cáo trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube,… thì chính các website của DN đóng vai trò là nơi cung cấp thông tin chính thống và đầy đủ về nguồn gốc của sản phẩm.

Giai đoạn 2017- 2020, Vĩnh Phúc đã hỗ trợ 50 DN xây dựng website miễn phí, 60% DN có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, tần suất và mức độ cập nhật thông tin trên website của DN còn thấp, có những trang website vài ba tháng, thậm chí là gần 1 năm mới cập nhật thông tin nên chưa thể phát huy tối ưu lợi ích trong kinh doanh.

Là một trong số các DN chú trọng xây dựng website ngay từ những ngày đầu thành lập tại địa chỉ tên miền noithatcodientanhoang.business.site, Công ty TNHH Chế biến gỗ Tân Hoàng, ở thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên đi vào hoạt động từ năm 2014 trong lĩnh vực thiết kế và thi công nội thất theo phong cách cổ điển.

Với 2.000 m2 nhà xưởng, công ty đang tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập trung bình 15 triệu đồng/người/tháng. Nổi tiếng trong giới kiến trúc là vậy nhưng để được nhiều người biết đến, ngay từ khi thành lập, công ty đã xác định xây dựng, duy trì website với chi phí hàng triệu đồng/năm.

Anh Lưu Đức Vinh, Giám đốc công ty cho biết: Đối với nghề thiết kế nội thất, yêu cầu đầu tiên chính là thẩm mỹ, nếu khách hàng vào website của DN để cập nhật thông tin mà hình ảnh sơ sài thì DN đó rất khó tồn tại.

Bởi vậy, việc xây dựng, duy trì và cập nhật thường xuyên hoạt động trên website sẽ giúp DN đến gần hơn với khách hàng, phát huy lợi thế về chất lượng và giá cả sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, DN cũng mong muốn sớm được ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ DN xây dựng website để phát huy hiệu quả ứng dụng TMĐT trong hoạt động SXKD, nhất là trong điều kiện dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp.

Trước bối cảnh khó lường của dịch Covid -19, rất nhiều DN Việt đã tìm ra hướng đi, nhanh chóng triển khai những giải pháp để duy trì và đẩy mạnh hoạt động trên thị trường TMĐT để duy trì đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Điển hình là Công ty Cổ phần thực phẩm Điện Biên (Phúc Yên) – vốn được biết đến là DN đã tham gia và đạt Chứng nhận OCOP 4 sao năm 2020 với 3 dòng sản phẩm chủ lực mang tên “bột sữa gạo lứt sinh thái Điện Biên”.

Mặc dù dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp nhưng với website có tên miền https://dienbienfood.vn/ DN đã duy trì tốt hoạt động SXKD. 8 tháng năm 2021, sản lượng tiêu thụ của DN đạt hơn 120.000 lon sữa bột gạo lứt.

Không chỉ phát triển mạnh thị trường trong nước, vừa qua, công ty đã được Sở Công thương hỗ trợ xây dựng website riêng để quảng bá sản phẩm ra thị trường các nước trên thế giới.

Bà Đặng Thị Kim Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Điện Biên cho biết: Đại dịch” Covid – 19 đã khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen mua hàng, từ thương mại truyền thống sang mua bán trực tuyến.

Đồng thời, thúc đẩy các DN chuyển đổi sang chú trọng thị trường kinh doanh trên các sàn TMĐT, website và các trang mạng xã hội. Nhờ đó, hàng hóa được hỗ trợ giao đến tận nhà, giúp DN cải thiện chất lượng dịch vụ và nắm bắt cơ hội từ TMĐT để ngày càng phát triển.

Nhằm giúp đỡ DN, tổ chức, cá nhân mở rộng phát triển hình thức bán lẻ trực tuyến, tiếp cận khách hàng qua các công cụ TMĐT trong thời đại công nghệ 4.0, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 211/KH – UBND về phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Trong đó, đặt mục tiêu 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% DN tiến hành hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT…

Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện kế hoạch hơn 7,7 tỷ đồng. Từ đó, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các DN, nâng cao lòng tin người tiêu dùng.

Theo Báo Vĩnh Phúc

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo