Hậu Giang cần chuyển sang tư duy tích hợp trong phát triển kinh tế nông nghiệp

Ngày 27/9, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã làm việc với tỉnh Hậu Giang về định hướng phát triển nền kinh tế nông nghiệp xanh, thích ứng với bối cảnh mới, với ba biến động, đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và chuyển xu thế tiêu dùng.

Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Hậu Giang báo cáo kết quả thực hiện cũng như những định hướng, kiến nghị trong phát triển nông nghiệp thời gian tới, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã gợi mở nhiều vấn đề, đặc biệt là Hậu Giang cần chuyển sang tư duy tích hợp trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Đây là xu thế mang tính tất yếu mà nền nông nghiệp các nước đã và đang thực hiện.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng xác định “Chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”, không dựa trên năng suất, sản lượng mà là dựa trên giá trị xanh, sạch, giúp tăng trưởng xanh trong sản xuất nông nghiệp, thích ứng với bối cảnh mới.

Do đó, không chỉ Hậu Giang, mà cả vùng cần chuyển sang tư duy tích hợp, đa chức năng, đa nhiệm vụ, đa ngành, đa giá trị. Không chỉ độc canh một mô hình mà có sự tích hợp đa mô hình trên cùng đơn vị diện tích canh tác để chuyển từ đơn ngành sang đa mục tiêu phát triển tích hợp liên ngành, từ đó tích hợp được đa giá trị trong sản xuất. Bên cạnh đó, tỉnh sớm có giải pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp trong điều kiện bình thường mới.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục quan tâm nhân rộng mô hình sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm để đáp ứng xu thế thị trường và xuất khẩu. Ngoài chuyện sản xuất, thì cần quan tâm đúng mức chuỗi cung ứng, rất quan trọng, mang tính quyết định, nhất là trong bối cảnh sau dịch Covid-19.

Đối với phát triển các khu, cụm công nghiệp, tỉnh cần chú ý gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ bằng các mô hình cụm liên kết ngành trong nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ tỉnh thực hiện mô hình “Cụm liên kết ngành công – nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái” để tích hợp đa giá trị ở mức tốt nhất.

Về những kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận và xem xét tháo gỡ trên tinh thần liên kết vùng là liên kết không gian kinh tế, nhằm “nối mạnh máu kinh tế” vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, tỉnh xác định nông nghiệp bền vững là mấu chốt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, hiện tỉnh rất quan tâm thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất theo lợi thế cây trồng vật nuôi của từng địa phương, đồng thời tăng tính đầu tư từ chiều rộng đến chiều sâu. Bằng nhiều giải pháp Hậu Giang cố gắng xóa bỏ tình trạng nông dân được mùa mất giá và ngược lại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp…

Tuy nhiên, để nông nghiệp tiếp tục phát triển theo định hướng chung của vùng ĐBSCL, Hậu Giang mong tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhất là về quy hoạch phát triển vùng sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân Hậu Giang trong điều kiện dịch Covid-19 như hiện nay.

Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hỗ trợ tỉnh đầu tư hạ tầng giao thông trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn, cũng như có cơ chế đặc thù cho vùng ĐBSCL về đầu tư phát trển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân.

Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đến tham quan mô hình sản xuất lúa giống, thủy sản mùa nước nổi và du lịch sinh thái tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hậu Giang, thuộc xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A và mô hình chuyển đổi từ đất lúa sang vườn cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao của nông dân ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A.

Theo Nhandan.vn

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo