Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022 lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã trả lời nhiều vấn đề nóng liên quan đến xăng dầu.
‘Nóng’ chuyện xăng dầu
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022, báo chí nêu một loạt câu hỏi liên quan đến xăng dầu: “Sau kỳ điều hành xăng dầu hôm qua (ngày 5/9) lần đầu tiên giá dầu cao hơn giá xăng. Nhận định của Bộ Công Thương như thế nào về vấn đề này?
Liên quan đến kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, Bộ Công Thương đã tước giấy phép của 5 doanh nghiệp. Vậy lý do tước giấy phép ở đây là gì và việc tước giấy phép này có ảnh hưởng gì đến việc cung ứng xăng dầu trong nước hay không?
Trong 7 kỳ điều hành xăng dầu gần nhất, nhà điều hành đã thực hiện trích lập khoảng gần 4.500 đồng cho mỗi lít xăng và khoảng 1.800 đồng cho mỗi lít dầu. Xin hỏi việc trích lập cao như vậy có gây thiệt thòi cho người dân và doanh nghiệp hay không, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đối diện với chi phí đầu vào tăng cao và người dân đối mặt diện mặt bằng giá cả mới?
Cũng liên quan đến quỹ bình ổn giá xăng dầu thì trong dự thảo Luật giá thì Bộ Tài Chính đã đề xuất hủy quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn, trong đó có quỹ bình ổn giá xăng dầu. Qua thời gian biến động mạnh của giá xăng dầu thế giới vừa qua, Bộ Công Thương có cho rằng đây là thời điểm để chúng ta bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường hay không?
Chúng tôi luôn mong muốn giá xăng dầu thấp hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ: Liên quan đến việc giá dầu lần đầu tiên cao hơn giá xăng, về góc độ điều hành giá xăng dầu, chúng tôi luôn mong muốn giá dầu và giá xăng đều thấp hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng, người dân.
Đúng là từ trước tới nay, chúng ta đều quen với việc giá bán lẻ dầu hỏa và dầu diesel thấp hơn giá xăng, nhưng tại kỳ điều hành ngày 5/9 vừa qua thì lần đầu tiên giá bán lẻ dầu diesel và dầu hỏa đã ghi nhận cao hơn giá xăng.
Tuy nhiên, tại thị trường thế giới, từ đầu năm 2022 đến nay, sau xung đột Nga-Ukraine, nguồn cung khí đốt cho thị trường châu Âu và Hoa Kỳ giảm, nên nhu cầu đối với dầu diesel và dầu hỏa tăng nhằm thay thế nhu cầu về khí đốt. Điều này dẫn đến giá sản phẩm dầu tăng khá cao, ở mức tương đương hoặc cao hơn giá xăng.
Những tháng gần đây, để chuẩn bị cho nhu cầu tăng vào mùa đông và nhu cầu người dân đang dần chuyển sang dùng dầu khi giá năng lượng tăng cao, thì giá dầu đã tăng khá mạnh, cao hơn nhiều so với giá xăng.
Hiện nay, trung bình trên thế giới, bình quân giá xăng ở mức 105 USD/thùng, trong khi giá dầu đang ở mức 143 USD/thùng. Trong nước, trong cơ cấu giá xăng và giá dầu, các mức thuế, chi phí kinh doanh, định mức rất khác nhau. Thực tế, thuế nhập khẩu bình quân của các loại dầu chỉ ở mức 0-0,72%, thuế nhập khẩu xăng bình quân là 9,7%. Thuế tiêu thụ đặc biệt của dầu là 0%; của xăng là 8-10%.
Do đó, giá bán lẻ xăng trong nước từ trước đến nay vẫn cao hơn giá dầu. Tuy nhiên, ở kỳ điều hành giá ngày 5/9 vừa qua, do giá xăng và giá dầu thế giới có sự chênh lệch lớn, giá dầu cao hơn giá xăng 30-35 USD/thùng, nên giá bán lẻ dầu trong nước đã lần đầu tiên cao hơn giá xăng.
Về tương quan giá xăng – dầu trên thế giới, hiện nay tại châu Âu hầu như các nước đều có giá dầu cao hơn giá xăng, như Italia, Hungary, Đức, Pháp, Đan Mạch, CH Séc, Áo, Bỉ, Vương quốc Anh, Bồ Đào Nha,… Ngay ở Hoa Kỳ, trong hôm nay, giá xăng ở mức 4,5 USD/gallon, trong khi giá dầu là 5,059 USD/gallon (1 gallon = 3,78l).
Nghiên cứu chính sách an sinh để hỗ trợ đối tượng yếu thế khi giá xăng dầu tăng cao
Chúng tôi rất chia sẻ với những đối tượng sử dụng dầu diesel trong lĩnh vực vận tải, hay các ngư dân đánh cá,… Chúng ta điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước.
Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gần đây nhất, ngày 12/8/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 5142/VPCP-NN truyền đạt ý kiến của lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan để nghiên cứu và tham mưu những biện pháp về chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho các đối tượng có thu nhập thấp và hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân và các đối tượng có liên quan.
Tước giấy phép của doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Câu hỏi thứ 2 liên quan đến việc tước giấy phép của 5 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu: Ngày 15/2/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định thanh tra số 192/QĐ-BCT để thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Đây cũng là hành động của Bộ Công Thương thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về việc kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm của các doanh nghiệp đầu mối và hệ thống thương nhân, tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu.
Qua kết quả các cuộc điều tra, biên bản vi phạm hành chính và giải trình của các đơn vị, ngày 31/8/2022, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đối với 11 thương nhân đầu mối và các công ty con của các thương nhân đầu mối này. Tổng số tiều phạt là 13.340.000.000 đồng.
Ngoài việc phạt tiền, Thanh tra Bộ Công Thương cũng có 5 quyết định áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trong thời hạn 1 tháng với 5 thương nhân đầu mối bao gồm: Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty CP Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty CP Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro). Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp này không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định.
Khi 5 doanh nghiệp này đã bị tước quyền, theo Điều 9 Nghị định 83, họ không còn 19 quyền hạn trong kinh doanh xăng dầu, bao gồm không chỉ việc không được xuất nhập khẩu xăng dầu mà cũng không được mua xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước, không được bán xăng dầu cho các thương nhân khác.
Vì vậy việc tước giấy phép sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường tại các địa bàn kinh doanh của các doanh nghiệp này, khi 5 doanh nghiệp đang cung ứng trung bình cho thị trường khoảng 160.000 m3 xăng dầu các loại/tháng (chiếm khoảng 10% nhu cầu thị trường nội địa), do đó sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì nguồn cung, ổn định thị trường xăng dầu trong nước hiện đang khá căng thẳng, nhất là ở khu vực phía Nam (địa bàn hoạt động chính của 5 doanh nghiệp bị tước giấy phép).
Sáng ngày 6/9, Bộ Công Thương đã có báo cáo tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022 và chiều cùng ngày, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã họp để xử lý vấn đề này theo hướng trước hết phạt hành chính kịch khung theo đúng các biên bản, còn việc tước giấy phép trong thời hạn vẫn sẽ được áp dụng nhưng lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện.
Việc xử lý cần căn cứ trên 3 nguyên tắc: Thứ nhất, cần xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật, dù là thương nhân đầu mối hay các công ty con trực thuộc; thứ hai, cũng cần lưu ý đến những khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đặc biệt sau bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua; thứ ba, quan trọng nhất, là vẫn cần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và khoảng 100 triệu người dân cả nước.
Trên cơ sở 3 nguyên tắc trên, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu tìm ra những giải pháp phù hợp nhất cho việc xử lý vấn đề này.
Sử dụng Quỹ BOG xăng dầu phù hợp, minh bạch
Liên quan đến câu hỏi của báo chí về việc thực hiện chi – trích lập Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu, chúng tôi khẳng định, hiện nay công tác điều hành giá xăng dầu được Liên Bộ Công Thương – Tài chính phối hợp chặt chẽ, Việt Nam là một trong những nước được đánh giá là đã đảm bảo tốt nguồn cung năng lượng, đặc biệt mặt hàng xăng dầu, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang bị đứt gãy nguồn cung năng lượng. Đây cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến Quỹ BOG, thời gian qua đã có 8 kỳ điều hành liên tục từ tháng 1 đến tháng 4/2022, sau đó 5 kỳ liên tục từ 1/4-22/6/2022 Quỹ BOG đã được thực hiện chi để bình ổn giá xăng dầu trong nước, có những lúc quỹ BOG tại doanh nghiệp còn ghi nhận mức âm. Nhờ vậy, trong khi giá bình quân một số mặt hàng xăng dầu thế giới biến động 11,38 – 45,95% thì giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành 22/8 vừa qua chỉ tăng 1,14 – 40,37%.
Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi giá xăng dầu ảnh hưởng lớn đến giá cả các mặt hàng khác trên thị trường hay giá cước vận tải, nếu không có công cụ là quỹ BOG để giảm mức tăng vào những thời điểm “nóng” thì giá cả chung sẽ chịu nhiều biến động.
Quỹ BOG là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước và toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ BOG tham gia điều tiết, hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Quỹ này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh cơ chế quản lý tập trung và không phát sinh tổ chức bộ máy, không có cơ chế tài chính riêng và Bộ Tài chính hiện nay là đơn vị được giao hướng dẫn quản lý hạch toán kiểm tra giám sát việc vận hành Quỹ BOG giá xăng dầu.
Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để thực hiện sử dụng Quỹ BOG phù hợp, minh bạch, góp phần đảm bảo nguồn cung cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, doanh nghiệp.
Quỹ BOG là công cụ giảm chấn khi giá xăng dầu thế giới tăng sốc hoặc giảm mạnh
Trả lời thêm nội dung phóng viên hỏi Bộ Công Thương nhưng liên quan đến dự thảo Luật Giá mà Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết: Quỹ Bình ổn giá có thiệt thòi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp như thế nào?
Tôi cho rằng Quỹ Bình ổn giá là công cụ giảm chấn trong trường hợp giá xăng dầu tăng sốck” hoặc giảm mạnh trên thị trường thế giới. Từ Quỹ này chúng ta điều hành giá xăng dầu trong nước giúp quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng được đảm bảo.
Quỹ này không cho ngân sách và không cho bất kỳ ai, chỉ phục vụ điều hành giá xăng, dầu. Trên tổng thể của nền kinh tế, người tiêu dùng và doanh nghiệp, chỉ có tác dụng điều hòa về giá xăng, dầu khi thị trường thế giới biến động mạnh.
Khi soạn thảo Dự thảo Luật Giá, Bộ Tài chính cũng đưa ra một số phương án khác nhau để chúng ta cùng suy nghĩ và đánh giá liệu chúng ta có giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hay không? Hoặc chúng ta thay đổi bằng cách không giữ nữa.
“Chúng tôi rất mong mọi người tham gia đóng góp ý kiến và phân tích điểm mạnh yếu của các phương án để Bộ Tài chính lắng nghe và đánh giá, lựa chọn phương án hợp lý nhất”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu rõ.
Theo Chinhphu.vn