Nền tảng logistics Shifl nhận định giá cước vận tải biển trên các tuyến xuyên Thái Bình Dương trong tháng 9 này có thể giảm từ 54% đến 72% so với cùng kỳ năm ngoái (Ảnh: Reuters) Nền tảng logistics Shifl dự báo giá cước vận tải biển trên các tuyến xuyên Thái Bình Dương trong tháng 9 có thể giảm tới 72% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cước vận tải biển trên thị trường quốc tế đang suy giảm dần mặc dù thông thường thời gian này là mùa cao điểm của hoạt động logistics trên toàn cầu. Sau hai năm liên tục tăng mạnh, giá cước vận tải biển đang dần quay trở về mức giá cũ của quý 3/2020.
Nền tảng logistics Shifl (Hoa Kỳ) nhận định đà giảm của giá cước diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu siết chặt chính sách tiền tệ, lạm phát cao khiến người tiêu dùng thay đổi hành vi tiêu dùng, tồn kho bán lẻ tại Hoa Kỳ và châu Âu ở mức cao, cùng với đó là hoạt động sản xuất tại Trung Quốc bị gián đoạn khi nước này theo đuổi chính sách Zero-Covid.
Bên cạnh đó, hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Market Intelligence (Hoa Kỳ) cho biết giá cước vận tải biển còn chịu áp lực giảm khi những gián đoạn chuỗi cung ứng do địa dịch Covid-19 gây ra đang được dần tháo gỡ. Trong thời gian trước, tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cảng hàng hoá đã gây ra hiệu ứng dây chuyền về việc thiếu hụt vỏ container rỗng, thiếu phương tiện chuyên chở, giảm vòng quay tàu hàng, qua đó đẩy giá cước vận tải lên mức cao kỷ lục.
Shifl dự báo giá cước vận chuyển container trên tuyến từ Trung Quốc đến Bờ Tây Hoa Kỳ trong tháng 9 năm nay có thể tới 72% so với cùng kỳ năm ngoái, quay về ngưỡng 5.000 USD/FEU (container loại 40 feet) – mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu lan ra toàn cầu. Giá cước vận chuyển container trên tuyến từ Trung Quốc đến Bờ Đông Hoa Kỳ cũng được dự báo sẽ giảm khoảng 54% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 8.900 USD/FEU.
Ông Shabsie Levy, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Shifl cho biết giá cước vận chuyển container giao ngay trên toàn cầu đã giảm đáng kể so với hồi đầu năm nay và có xu hướng tiếp tục giảm xuống hơn nữa, nhưng vẫn ở ngưỡng cao hơn gấp 3 lần so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Trong khi đó, hãng S&P Global Market Intelligence nhận định giá cước vận chuyển nguyên liệu thô qua đường biển sẽ giảm khoảng 20% – 30% trong năm nay, trước khi phục hồi nhẹ vào năm 2024.
“Việc giá cước vận tải biển giao ngay giảm liên tục cho thấy thị trường đang quay trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, sức ép giảm giá này sẽ gây áp lực lớn lên các hãng vận tải”, ông Shabsie Levy nhận định.
Hầu hết các hãng cung cấp dịch vụ vận chuyển và giao nhận trên thế giới đã chỉ rõ trong báo cáo tài chính quý 2/2022 rằng tăng trưởng lợi nhuận của họ chủ yếu đến từ lợi nhuận của các hợp đồng dài hạn đã ký với khách hàng.
Dữ liệu trên các báo cáo hoạt động kinh doanh của các hãng tàu lớn nhất thế giới như Maersk và ONE cho thấy khối lượng hàng hoá tổng thể được vận chuyển đã giảm xuống trong quý 2 vừa qua, và khối lượng hàng hoá từ các hợp đồng dài hạn chiếm tới 70% lượng hàng hoá được vận chuyển.
“Khi giá cước thị trường giao ngay tiếp tục giảm, các hãng vận tải sẽ buộc phải thương lượng lại mức giá cước cho các hợp đồng dài hạn vốn đã được ấn định ở mức cao hơn trước đó”, ông Shabsie Levy cho biết.
Ở chiều hướng khác, sự sụt giảm giá cước vận tải biển này mang lại lợi ích cho các chủ hàng và người tiêu dùng. Mặc dù tình trạng tắc nghẽn cảng ở một số khu vực như Bờ Đông Hoa Kỳ vẫn tiếp diễn, thời gian vận chuyển hàng trung bình từ Trung Quốc đến khu vực này đã giảm từ mức 50 ngày trong tháng 4/2022 xuống hiện còn 46 ngày. Trên tuyến từ Trung Quốc đến Bờ Tây Hoa Kỳ, thời gian vận chuyển hàng trung bình giảm mạnh từ 50 ngày vào tháng 12/2021 xuống hiện còn 32 ngày.
Theo Tạp chí Công thương