Dự thảo Nghị quyết về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ Làm rõ cơ chế, chính sách đặc thù về khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng 

Trong 4 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù được Chính phủ đề xuất thực hiện thí điểm cho thành phố Cần Thơ, nhóm cơ chế, chính sách đặc thù về khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ là chính sách mới, mang tính điểm nhấn, nhằm tạo cơ chế hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Cần Thơ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tán thành với nội dung này, tại đợt 1 – Phiên họp thứ Sáu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần làm rõ và quy định cụ thể, bao quát, hợp lý nội dung này, đủ căn cứ để Quốc hội xem xét, quyết định.

Tạo cơ chế thúc đẩy hình thành khu liên kết

Với mục tiêu “một điểm đến đa dịch vụ”, khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất liên kết gắn với “3 nhà”: nhà nông, nhà sản xuất (thương nhân, doanh nghiệp nông sản) và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Khu liên kết sẽ là nơi các doanh nghiệp, người dân tiến hành sản xuất, chế biến, giao dịch, chào bán nông sản. Đặc biệt, cùng với việc hình thành các kho lạnh cấp vùng có thể lưu trữ nông sản sau thu hoạch lên đến 90 ngày, thay vì chỉ 7 ngày như trước đây, sẽ giúp người dân không còn chịu áp lực về thời điểm quyết định giá bán, tìm đầu ra phù hợp cho sản phẩm và nhận lại lợi nhuận “công bằng” so với lao động, chi phí đầu tư đã bỏ ra. Đồng thời, doanh nghiệp cũng yên tâm về nguyên liệu đầu vào, giải quyết căn cơ được tình trạng thừa, thiếu cục bộ trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản.

Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cấp vùng còn khuyến khích hình thành mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để thiết lập mối quan hệ giữa nơi sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm. Mô hình này, nếu được thông qua sẽ tạo cơ hội việc làm ổn định cho người lao động, góp phần giải quyết tình trạng lao động bị mất việc và quay trở lại vùng đồng bằng sông Cửu Long do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp cho biết, chính sách này bảo đảm tính hợp Hiến và phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan. Về tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, chính sách phát sinh quy định khác so với quy định hiện hành, nhưng bảo đảm phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội trong việc ban hành Nghị quyết để quy định: “Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành” (Khoản 2, Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Cơ quan soạn thảo cũng đã tiến hành đánh giá tác động đối với đề xuất chính sách này theo luật định.

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, dự thảo Nghị quyết chưa quy định rõ tính chất, chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, cơ chế vận hành, bộ máy quản lý khu liên kết; quyền hạn, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Cơ chế ưu đãi áp dụng đối với khu liên kết chưa được quy định cụ thể. Tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư tại khu liên kết chưa rõ ràng. Điều kiện để được hưởng ưu đãi, phạm vi ưu đãi chưa được quy định trong dự thảo Nghị quyết, dẫn đến việc dẫn chiếu theo Điều 20 của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định 31/2021/NĐ-CP và Quyết định 29/2021/QĐ-TTg) không ăn khớp, khó thực hiện. Việc cho phép mọi dự án đầu tư tại khu liên kết đều được hưởng ưu đãi về thủ tục hải quan; miễn, giảm thuế, tiền thuê đất và các ưu đãi đầu tư khác là chưa chặt chẽ, công bằng, dễ dẫn đến lợi dụng pháp luật.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, việc cho phép các dự án đầu tư tại khu liên kết được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt theo Điều 20 Luật Đầu tư cần được cân nhắc vì đó là mức ưu đãi đặc biệt lớn để áp dụng cho các dự án đặc biệt lớn (trên 3.000 tỷ đồng…). Nếu các dự án trong khu liên kết không đáp ứng các tiêu chí theo Điều 20 Luật Đầu tư mà vẫn được hưởng ưu đãi đặc biệt có thể sẽ làm ảnh hưởng đến mặt bằng chính sách và thu hút đầu tư tại các địa phương khác.

Thể hiện rõ chính sách đặc thù, bảo đảm tính khả thi

Nêu quan điểm về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc hình thành khu liên kết ở Cần Thơ nhằm tạo hệ thống logistics liên hoàn, tận dụng được ưu thế hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, cảng biển, đường hàng không và giải quyết các vấn đề bất cập khác. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, chính sách đặc thù để hình thành khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửa Long tại Cần Thơ cần được quan tâm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng khẳng định, cơ chế, chính sách đặc thù cho việc hình thành khu liên kết là vấn đề mới, chưa được luật quy định nên cần được thể hiện rõ trong Tờ trình và dự thảo Nghị quyết để Quốc hội xem xét cho phép thí điểm. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý, Chính phủ cần tính đến tính khả thi của cơ chế, chính sách đặc thù này vì Nghị quyết của Quốc hội có thời hạn – đến 2025 phải tổng kết, đánh giá việc thi hành. Trong khi đó, hiện nay chúng ta có rất nhiều dự án, đơn cử trong Quy hoạch phát triển hệ thống logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2015 có dự án thành lập trung tâm logistics hạng II với quy mô tối thiểu 30ha tại Cần Thơ. Tuy nhiên đến thời điểm này, sau 6 năm triển khai vẫn chưa hình thành.

Điều này cho thấy việc triển khai các dự án phát triển tốn nhiều thời gian, cần quyết tâm cao và chính sách, cơ chế cụ thể. Nêu thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, nếu không có quyết tâm chính trị mạnh mẽ cùng với cơ chế, chính sách cụ thể cho việc thành lập khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửa Long tại Cần Thơ thì hết thời hạn hiệu lực của Nghị quyết cũng chưa thực hiện được và như vậy thì chính sách đặc thù, đặc cách trong dự thảo Nghị quyết cũng trở nên… vô nghĩa.

Do đó, dự thảo Nghị quyết cần làm rõ hơn cơ chế, chính sách đặc thù đối với các doanh nghiệp đầu tư vào khu liên kết, nêu bật được tính chất đặc biệt của chính sách này. Ví dụ, chính sách ưu tiên, ưu đãi về hải quan cho các doanh nghiệp có đồng nghĩa với “vô điều kiện” không, hay chỉ “lược bớt” một số điều kiện được quy định trong Luật Hải quan. Chính sách đặc thù “nới lỏng” các điều kiện về hưởng ưu đãi thì cần có tiêu chí, bảo đảm cơ chế kiểm soát, tránh nguy cơ xảy ra vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu Nghị quyết số 59/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm rà soát, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù khác cho Cần Thơ. Ví dụ, mô hình quản trị đô thị phù hợp với đặc thù của Cần Thơ, trong đó thí điểm mô hình tổ chức chính quyền địa phương nhằm đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động… Đây là những chính sách đặc thù mới rất cần được nghiên cứu để thí điểm cho Cần Thơ.

Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là cần thiết, nhằm tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng Cần Thơ thành trung tâm phát triển, đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khẳng định điều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục bổ sung nhiều nội dung quan trọng được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ nêu tại phiên họp, làm rõ và quy định cụ thể, bao quát, hợp lý nội dung này, bảo đảm đủ căn cứ để Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo