Theo chia sẻ của doanh nghiệp dệt may dù phải đóng cửa, nhưng doanh nghiệp này vẫn “bay” gần 20 tỉ đồng mỗi tháng cho những chi phí cố định, chưa kể chi phí hỗ trợ lương cho người lao động.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, đợt dịch lần thứ 4 diễn biến phức tạp và kéo dài tại TPHCM và các tỉnh phía Nam đã làm cho nhiều doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa, ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng, phải giao hàng chậm, giao hàng bằng máy bay hoặc bị khách hàng hủy đơn hàng gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Tổn thất nặng nề về cả kinh tế và uy tín của doanh nghiệp.
Theo số liệu mới nhất của Vitas, kim ngạch xuất khẩu tháng 8.2021 của ngành ước giảm 18,69% so với tháng 7.2021 và giảm 5,88% so với tháng 8.2020.
“Bốn tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may và mục tiêu năm 2021 đạt mức thực hiện 39 tỉ USD sẽ rất xa vời. Nếu tình hình dịch bệnh không kiểm soát được trong tháng 9.2021 khả năng ngành chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 33 – 34 tỉ USD”, Vitas nhận định.
Một doanh nghiệp dệt may lớn ở miền Bắc (trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam), với quy mô gần 5.000 lao động cho hay, công ty đã phải nghỉ sản xuất trong vòng 1 tháng nay. Nếu tiếp tục nghỉ, doanh nghiệp sẽ không gắng gượng nổi.
Theo vị này, mặc dù phải đóng cửa, nhưng mỗi tháng công ty “bay” gần 20 tỉ đồng cho những chi phí cố định, chưa kể chi phí hỗ trợ lương cho người lao động.
Trong đó, chi phí khấu hao khoảng 6 tỉ đồng mỗi tháng, chi phí bảo hiểm phải đóng cho người lao động khoảng 4 tỉ đồng mỗi tháng, chi phí lãi vay ngân hàng khoảng 1,5 tỉ đồng mỗi tháng, chi phí vận chuyển bằng máy bay cho những đơn hàng gấp – 4 tỉ đồng/tháng.
Ngoài ra, còn có chi phí xét nghiệm test COVID-19 cho người lao động 2 tỉ đồng mỗi tháng và chi phí lương hỗ trợ cho người lao động.
Cũng theo doanh nghiệp này, điều khiến doanh nghiệp dệt may sợ nhất lúc này, không phải là những chi phí cố định, mà là việc bị đối tác phạt chậm giao hàng. Nếu như bị phạt, doanh nghiệp có thể thiệt hại lên tới 100 tỉ đồng.
Đề xuất giảm 20-30% giá điện cho doanh nghiệp đến tháng 6.2022
Để thực hiện “mục tiêu kép” vừa tập trung kiểm soát dịch, vừa duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Vitas nhận định, vaccine vẫn là “chìa khoá”. Trong đó, phải đặt vấn đề làm thế nào khai thác nguồn vaccine nhiều nhất, nhanh nhất và tiêm đúng đối tượng.
Theo ông Cẩm, bên cạnh lực lượng tuyến đầu và những người có nguy cơ cao, cần ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong nhà máy và các khu công nghiệp, đội ngũ lái xe vận tải, shipper, nhân viên làm công tác xuất nhập khẩu hàng hóa.
Đồng thời, Nhà nước tập trung hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền để tránh cho doanh nghiệp không rơi vào tình trạng đứt thanh khoản.
Cụ thể, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề xuất dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong vòng 1 năm từ khi nộp hồ sơ. Đối với các doanh nghiệp nằm trong địa phương áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cần được giảm 50% số tiền phải nộp.
Đề nghị thành phố Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31.12.2021, nghiên cứu giảm 50% cho năm 2022. Còn TPHCM hoãn áp dụng thu phí cảng biển cho đến 30.6.2022.
Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, lãnh đạo Vitas cũng đề nghị tiếp tục giảm giá điện và thuế VAT từ 20-30% cho các doanh nghiệp ở các địa phương phải thực hiện Chỉ thị 16 đến hết tháng 6.2022.
Các địa phương không điều chỉnh giá thuê đất trong điều kiện các doanh nghiệp phải gồng mình chống dịch và nghiên cứu giảm tiền thuê đất 50% cho doanh nghiệp ở các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 đến hết tháng 6.2022.
Theo Báo Lao động