Thương mại nội địa có vai trò quan trọng đối với phát triển KT – XH, kết nối sản xuất và tiêu dùng, tác động tích cực tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Do vậy, tỉnh đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư để xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhằm thúc đẩy lưu thông, cung ứng hàng hóa, bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, hoạt động thương mại của tỉnh Hà có chuyển biến tích cực, đóng góp vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Năm 2020, tỷ trọng thương mại – dịch vụ chiếm 44,2% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tăng 2,08% so với năm 2015. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 11.230 tỷ đồng, bình quân tăng 11,8%/năm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 242 triệu USD, tăng 11,9% so với năm 2015. Cơ cấu mặt hàng và thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Mạng lưới các chợ, mạng lưới kinh doanh xăng dầu, cửa hàng kinh doanh tổng hợp phát triển rộng khắp. Toàn tỉnh hiện có 170 chợ, trong đó có 20 chợ thành thị, 143 chợ nông thôn, 7 chợ gia súc, 1 chợ đêm và 1 tuyến phố phục vụ du lịch; 14.500 cơ sở bán buôn, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, 68 cửa hàng xăng dầu và 265 cửa hàng khí dầu mỏ hóa lỏng.
Kết cấu hạ tầng các cửa khẩu được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho hoạt động xuất, nhập khẩu phát triển. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia, 2 cửa khẩu phụ và 11 lối mở. Hoạt động thương mại miền núi có sự chuyển biến đáng kể, đến nay hầu hết các xã vùng sâu, xa đều có chợ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu giao thương, mua bán hàng hóa của người dân. Các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” được tổ chức thường xuyên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Tuy nhiên, với đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới có địa hình chia cắt mạnh, giao thông đi lại khó khăn, xa các trung tâm kinh tế lớn, quy mô thị trường và sức mua nhỏ, chưa thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư, dẫn đến tốc độ tăng trưởng thương mại – dịch vụ những năm gần đây chưa đạt như kỳ vọng. Hạ tầng thương mại còn thiếu, chưa đồng bộ, tính kết nối chưa cao. Việc thu hút đầu tư xây dựng các loại hình kinh doanh hiện đại như trung tâm logistic, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối đạt thấp. Thị trường hàng hóa và doanh nghiệp, HTX, thương nhân kinh doanh, buôn bán dịch vụ tăng nhanh nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, phân tán. Bên cạnh đó, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng nhưng giá trị chưa cao, chưa có nhiều hàng hóa của tỉnh…
Lãnh đạo Sở Công thương cho biết, trên cơ sở những kết quả đạt được, đồng thời nhìn nhận rõ những hạn chế trong phát triển hạ tầng thương mại giai đoạn 2016 – 2020, ngành Công thương đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp, kế hoạch để phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại điện tử, đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn, khu vực. Cùng với đó, đa dạng kênh tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các giải pháp, ban hành chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư một cách hiệu quả vào lĩnh vực hạ tầng thương mại như: Ưu tiên quỹ đất, ưu đãi về thuế, tín dụng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng…
Mới đây, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định mục tiêu: Đến năm 2025, thu hút đầu tư xây dựng 1 trung tâm hội chợ triển lãm và 1 trung tâm thương mại tại thành phố Hà Giang; 1 trung tâm logistic tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy; chuỗi cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị hạng 3 tại trung tâm một số huyện. Phát triển 1 chợ đầu mối hoa quả, 2 chợ gia súc, xây mới 5 chợ, cải tạo nâng cấp 8 chợ, nâng tổng số chợ trên địa bàn tỉnh lên 176 chợ. Phấn đấu có 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, hộ kinh doanh cá thể có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử…
Để cụ thể hóa mục tiêu trên, tỉnh đã và đang triển khai xây dựng quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển hạ tầng thương mại đảm bảo hài hòa, cân đối giữa các vùng trong tỉnh. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn. Cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông tại các xã biên giới để thúc đẩy phát triển thương mại biên giới. Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất, kinh doanh ứng dụng KHCN vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng thương mại điện tử, đưa các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế…
Thực tế cho thấy, việc phát triển đồng bộ hạ tầng thương mại sẽ góp phần xây dựng Hà Giang thành điểm giao thương năng động trong vùng và khu vực, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Theo Báo Hà Giang