Doanh nhân Quảng Nam: Đồng hành và phát triển

 

 

Doanh nhân được xem là các tướng lĩnh trên mặt trận kinh tế. Hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, và nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết 09 (ngày 9.11.20211) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Vị thế, vai trò và những đóng góp của đội ngũ này đối với đất nước và địa phương ngày càng được khẳng định, tôn vinh.

Hai năm nay, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, “sức khỏe” của phần lớn doanh nghiệp (DN), doanh nhân bị suy giảm nghiêm trọng. Hàng loạt DN lâm vào cảnh bế tắc, doanh thu giảm mạnh, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ… Trong bối cảnh đó, đội ngũ doanh nhân vừa nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để vượt qua thách thức, vừa chung tay góp sức cùng chính quyền và nhân dân trong rất nhiều hoạt động vì cộng đồng.

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09 (ngày 9.11.2011) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mới đây, Tỉnh ủy Quảng Nam đã khẳng định vai trò, vị trí và ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của DN, doanh nhân đối với sự phát triển của tỉnh nhà.

 
 

Đồng vốn khởi nghiệp eo hẹp, công nghệ và trang thiết bị lạc hậu nên trước đây DN Quảng Nam gần như chỉ quen với tư duy sản xuất thô sản phẩm, ngại đầu tư chế biến sâu và xuất khẩu. Khu vực nông thôn dù được “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư nhưng các DN dường như vẫn “im hơi lặng tiếng”. DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ chiếm lĩnh đầu tư chủ yếu từ các sản phẩm nông – lâm ngư nghiệp. Và không khó để hiểu vì sao năm 2011 giá trị kinh tế từ lĩnh vực nông – lâm ngư nghiệp lại chiếm hơn 21,4% tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh. Thế nhưng, mọi thứ bắt đầu thay đổi từ nhận thức khởi nghiệp của lớp lớp doanh nhân trẻ.

 
   DN sản xuất mặt hàng may mặc phát triển rất mạnh tại nhiều Cụm CCN trong tỉnh.

Bước ra sân chơi hội nhập sâu rộng, các DN Quảng Nam gần đây không ngừng lớn mạnh cả quy mô số lượng và chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo Sở KH&ĐT, cả tỉnh hiện có 8.177 DN đang hoạt động. Nhiều DN có uy tín, thương hiệu tạo ra “bầu sữa ngân sách” đóng góp lớn cho tỉnh, kể đến như Công ty CP Sản xuất ô tô Trường Hải, Nhà máy bia Heniken, The Nam Hai Resort, Vinpearl Nam Hội An…

Nhà máy chế biến gỗ ván MDF của Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam tại xã Quế Thọ (Hiệp Đức).
Nhà máy chế biến gỗ ván MDF của Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam tại xã Quế Thọ (Hiệp Đức).

Thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa tập trung phát triển kinh tế – xã hội, doanh nhân chuyển hướng đi mới cho DN, bằng cách đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi cơ cấu lại sản phẩm, dịch vụ chủ lực.  Sáu tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 hoành hành song kinh tế vẫn đạt con số ấn tượng. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh hơn 30.910 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 11,7%.

Quảng Nam là một trong 9 tỉnh của cả nước có tốc độ tăng trưởng 2 con số, đứng thứ 5 cả nước và đứng đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Góp vào sự thành công đó phải nói đến DN, mà doanh nhân được xem như đội ngũ kiến tạo, đi đầu phát triển kinh tế và khởi nghiệp của DN.

Hệ thống vận chuyển logicstics phát triển mạnh tại cảng Trường Hải - Chu Lai.
Bất chấp dịch bệnh Covid-19 hoành hành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. 

Công ty CP Sản xuất ô tô Trường Hải tiếp tục dẫn đầu các DN tư nhân về tạo ra “bầu sữa” ngân sách nhà nước cho tỉnh. 7 tháng đầu năm 2021, DN này nộp 6.246 tỷ đồng (chiếm hơn một nửa tổng thu ngân sách nội địa toàn tỉnh). Theo Cục Thuế Quảng Nam, lĩnh vực kinh tế tư nhân đóng góp lớn nhất cho ngân sách, qua 7 tháng đã nộp 7.449 tỷ đồng, đạt 76,7% (chiếm 63% tổng thu 7 tháng đạt được).

Từ năm 2012 đến nay, Quảng Nam tôn vinh 228 DN và 201 doanh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 159 DN hoạt động có tổ chức Đảng với 3.293 đảng viên. Giai đoạn 2011-2021, cả tỉnh huy động vốn xây dựng nông thôn mới từ DN, hợp tác xã đạt 278.000 tỷ đồng.

 
 

Nhiều DN tuy bị ngưng trệ sản xuất, kinh doanh nhưng luôn đồng hành với tuyến đầu chống dịch Covid-19. Tại các chốt kiểm soát, khu cách ly tại xã Tam Xuân 1, Tam Trà (Núi Thành), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam – nơi điều trị ca bệnh Covid-19, hay tận vùng biên giới La Êê, Đắc Pring (Nam Giang), các DN đã mang đến từng đồ bảo hộ, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, nước uống thảo dược … cho nhân viên y tế.

 
 Hiệp hội DN tỉnh luôn hướng về các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. 

 Và mới đây, 150 y, bác sĩ cách ly sau khi vừa kết thúc ca điều trị bệnh nhân tại khách sạn 5 sao Tui Blue Nam Hội An, Hiệp hội DN tỉnh đã có mặt kịp thời trao tặng 500 triệu đồng để tri ân những “thiên thần áo trắng”.  Hay những phần quà tiếp tế của DN là thức ăn nước uống chân phương mà chất chứa cả một trời yêu thương. Những ký thịt, cá khô, nước mắm, trà sữa… được các DN gói ghém chở lên tận biên giới Việt – Lào xa xôi cho tuyến đầu chống dịch.

Rồi đồng bào ở các xã vùng cao Phước Sơn lâm cảnh màn trời chiều đất do bão lũ cuối năm 2020 tàn phá, Hiệp hội DN tỉnh cũng đứng ra vận động quyên góp, cùng địa phương dựng làng mới, góp phần tái thiết đời sống cho bà con vùng cao. Kể làm sao hết nghĩa cử cao đẹp, trách nhiệm với xã hội của cộng đồng DN trong lúc đất nước và quê hương gặp thiên tai, dịch bệnh.

Ông Phạm Quốc Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN Quảng Nam khẳng định, văn hóa doanh nhân là xây dựng hình ảnh, thương hiệu DN, san sẻ yêu thương, trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Thời gian qua, Hiệp hội DN Quảng Nam làm tròn vai trò “cầu nối” giữa DN và các cấp chính quyền, tạo “nhịp cầu” chia sẻ các cách thức ứng phó hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo ông Hùng, doanh nhân thời nay cần nhiều thứ nhưng quan trọng là phải lấp đầy những yếu tố còn thiếu, yếu, bất cập. Đó là tri thức kinh doanh, về quản trị trong nền kinh tế thị trường và khả năng hội nhập đa văn hóa. Nhà nước chỉ cần tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách theo yêu cầu của kinh tế thị trường, giảm bớt thủ tục hành chính gây tốn kém về thời gian và tiền bạc cho DN và doanh nhân.

 

Trong hai năm 2020, 2021, Quỹ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đã vận động hơn 53 tỷ đồng (trong đó có 13 tỷ đồng vào Quỹ vắc xin) phần lớn từ nguồn đóng góp, hỗ trợ của DN. Trong đó, Hiệp hội DN Quảng Nam hỗ trợ gần 3 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, lực lượng tuyến đầu chống Covid-19 và chương trình ATM gạo yêu thương.

Ngoài ra, tổ chức này còn kêu gọi DN, nhà hảo tâm hỗ trợ huyện Phước Sơn hơn 500 triệu đồng khắc phục thiệt hại do bão lũ hồi cuối năm 2020; phối hợp với Hội golf tỉnh và Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn sửa chữa và xây mới 16 ngôi nhà cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trị giá gần 1 tỷ đồng.

 

Quảng Nam là đất mở, nơi mà giới thương nhân của thế giới đặt chân đến thương cảng Hội An rất sớm. Và hôm nay, xứ sở này còn là địa chỉ đáng tin cậy cho các nhà đầu tư muốn “chọn mặt gửi vàng”. Bằng chứng là chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Quảng Nam luôn nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước 10 năm nay.

Chính quyền tỉnh xác quyết rằng, “đất lành” của thời hội nhập quốc tế phải đảm bảo môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở, minh bạch, chuyển từ mô hình chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ DN. Vì vậy, thời gian qua các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, môi trường sản xuất, kinh doanh của DN và doanh nhân đều được các cấp chính quyền tìm cách tháo gỡ. Định kỳ mỗi tháng lãnh đạo tỉnh tiếp và đối thoại thẳng thắn với DN.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam luôn tiếp doanh nghiệp định kỳ.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam luôn tiếp doanh nghiệp định kỳ.

Môi trường đầu tư hấp dẫn ở đây, là cải cách hành chính theo hướng giảm tối đa thủ tục, thời gian, chi phí cho DN. Theo đó, thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện theo nguyên tắc 5 tại chỗ “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả ngày”; bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho DN. Chẳng hạn, hiện dịch Covid-19 đang hoành hành, UBND tỉnh ứng dụng mạnh công nghệ thông tin rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký DN từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc.

 
             Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quyết định đến sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng (Tam Kỳ) là ví dụ điển hình về đột phá môi trường đầu tư. Gần 200ha mặt bằng sạch nơi đây gần như được lấp đầy diện tích. Toàn KCN Tam Thăng có 23 công ty, xí nghiệp đã hoạt động và nhiều nhà đầu tư chiến lược đến từ Hàn Quốc, Đức, Hồng Kông… đang đầu tư, vùng đất cát hoang vu ngày nào lại hối hả nhịp sống công nghiệp. Ngoài tiền thuê đất giá rẻ, thì vùng đông Tam Kỳ còn có lợi thế nguồn lao động dồi dào, trong khi các thành phố lớn gặp trở lực về giữ chân người lao động đang có xu hướng dịch chuyển về quê.

Ông Nguyễn Đức Khải – Giám đốc Công ty TNHH Đức Quang Khải (trụ sở đóng tại phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) thuê gần 2ha đất tại KCN Tam Thăng, đầu tư 3 triệu USD xây dựng nhà xưởng để cho đối tác nước ngoài thuê vào năm tới. Ông Khải cho rằng, điều lo nhất của DN là thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài thời gian. Nhưng ở KCN Tam Thăng, việc đầu tư công ty của ông rất thuận lợi khi chỉ chưa đầy 2 tháng đã có giấy chứng nhận đầu tư, các thủ tục xây dựng nhà máy cũng được giải quyết nhanh gọn.

Ra đời sớm hơn KCN Tam Thăng, KCN Điện Nam – Điện Ngọc cũng thu hút nhiều nhà đầu tư có tầm cỡ. Như nhà máy sản xuất nhiên liệu ga của Công ty CP Đầu tư và sản xuất Petro miền Trung đạt doanh thu thuần mỗi năm 1.400 tỷ đồng.

 

Nhiều doanh nhân, DN đã nhanh nhạy chuyển hướng đầu tư đa ngành nghề, đa lĩnh vực.  Đơn cử, Tập đoàn Hoàng Như (Hội An) ban đầu chỉ hoạt động trong ngành xây dựng, nhưng sau chuyển sang đầu tư dịch vụ khách sạn, du lịch, y tế.  Và hiện nay DN này đầu tư xây dựng 2 bệnh viện tại Hội An và Đại Lộc.

 

 Đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, với sự năng động, hầu hết DN trên địa bàn tỉnh đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước, là lực lượng chính phát triển kinh tế – xã hội. Doanh nhân thể hiện có trách nhiệm với xã hội và người lao động. Tuy nhiên, phần lớn DN trên địa bàn tỉnh là quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ, nên quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. DN đầu tư vào khu vực miền núi, nông thôn còn ít; còn một số DN nợ thuế, nợ bảo hiểm nhưng chưa được xử lý.

 

Những cơ chế, chính sách hỗ trợ DN của Quảng Nam đã ban hành

1. Quyết định số 2195, ngày 4.7.2012 của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa cùa doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2012-2020.

2. Quyết định số 708, ngày 14.2.2015 của UBND tỉnh quy định hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2012-2020.

3. Quyết định số 1599 ngày 23.5.2016 của UBND tỉnh về ban hành quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Quảng Nam giai đoạn 2016-2020.

4. Quyết định 331, ngày 30.1.2019 của UBND tỉnh về cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

5. Quyết định số 552 ngày 25.2.2021 quy định triển khai thực hiện Nghị quyết số 45 ngày 6.12.2018 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

6. Quyết định số 557 ngày 3.3.2020 và Quyết định số 1505 ngày 3.6.2020 của UBND tỉnh về phê duyệt chủ trương đầu tư danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Theo QUẢNG NAM MEDIA

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo