Đặc biệt, tại hội nghị, các doanh nghiệp đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh cần được quan tâm tháo gỡ. Đó là các chính sách liên quan đến miễn, giảm thuế, phí được quy định tại Nghị định 15 ngày 1/2/2022 của Chính phủ; các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư phát triển sản xuất; các quy định hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19; các chính sách ưu đãi cho thuê đất thành lập doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; những bất cập liên quan đến các dự án thuê đất, thuê rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; một số quy định chưa phù hợp khiến phạm vi hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp bị bó hẹp cần được tháo gỡ; các quy định, thủ tục vay vốn từ các gói hỗ trợ của Nhà nước còn rườm rà gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận; các doanh nghiệp cũng nêu lên những khó khăn trong việc tuyển dụng lao động trong thời gian qua; cần tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp liên quan đến vật tư, phân bón và chất lượng, sức cạnh tranh các loại sản phẩm nông nghiệp…
Đồng chí Đặng Trí Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kết luận chỉ đạo tại hội nghị
Chiều 23/8, tại TP Bảo Lộc, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị đối thoại giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn TP Bảo Lộc và các huyện phía Nam của tỉnh gồm Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên.
Đồng chí Đặng Trí Dũng – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội nghị. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh; lãnh đạo của 6 huyện, thành phố phía Nam tỉnh Lâm Đồng cùng đại diện của hơn 100 công ty, doanh nghiệp đóng chân tại các địa phương.
Tại hội nghị đối thoại, đại diện các công ty, doanh nghiệp khẳng định, trong thời gian qua, Nhà nước và tỉnh Lâm Đồng đã tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động ngày càng được quan tâm đúng mức. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
Đại diện các doanh nghiệp cũng đã đặt ra nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến các điều kiện, quy định xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, nhấn mạnh các điều kiện, quy định xuất khẩu trái sầu riêng qua thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư đã được ký kết. Qua đó, đề nghị chính quyền các cấp và cơ quan chức năng triển khai các điều kiện, quy định, biện pháp để người nông dân tuân thủ các quy định theo yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng để có đầu ra bền vững tại thị trường Trung Quốc.
Cùng với đó, nhiều điều kiện, đặc biệt là các điều kiện về cơ sở hạ tầng tại nhiều địa phương chưa đồng bộ khiến công tác thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn cần được xem xét.
Lãnh đạo Cục Thuế Lâm Đồng tiếp thu, giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền
Từ các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo các sơ, ban, ngành của tỉnh và các địa phương đã tiếp thu; đồng thời, phân tích, trả lời thấu đáo theo từng lĩnh vực và từng doanh nghiệp cụ thể dựa trên các chính sách của Nhà nước và quy định của pháp luật.
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Đặng Trí Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, đặc biệt là sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào ngân sách, giải quyết việc làm, tiêu thụ nông sản, xây dựng cơ sở hạ tầng… trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để chung tay xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển giàu đẹp.
Từ các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm tiếp thu để có những đề xuất tới chính quyền các cấp và các ngành chức năng trong tỉnh giải quyết thấu đáo cho doanh nghiệp. Qua đó, tiếp tục phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Đối với các huyện, thành phố phải chủ động đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tiếp nhận, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đảm bảo tuân thủ các chính sách của Nhà nước và quy định của pháp luật theo thẩm quyền.
Các sở, ban, ngành của tỉnh có trách nhiệm tiếp thu, xử lý hoặc đề xuất UBND tỉnh xử lý thấu đáo các kiến nghị giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn để phát triển bền vững. Cùng với đó, các doanh nghiệp hoạt động cần tuân thủ thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước và các quy định của pháp luật trên tất cả các lĩnh vực về thuế, phí, an toàn lao động và đảm bảo quyền, nghĩa vụ đối với người lao động.
Theo LĐ online