Doanh nghiệp FDI nỗ lực tăng doanh thu

Làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các khu công nghiệp (KCN) bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, các DN FDI vẫn nỗ lực để tăng doanh thu cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, tổng doanh thu của các DN FDI trong các KCN trên địa bàn tỉnh trong tháng 7-2021 là hơn 1,6 tỷ USD, tăng gần 130 triệu USD so với tháng 7-2020 (tương đương 8,7%). Trong đó, xuất khẩu hơn 1 tỷ USD và tiêu thụ nội địa gần 566 triệu USD.

* Mở rộng thị phần trong nước

Đồng Nai là nơi có nhiều DN FDI sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như: giày dép, dệt may, máy móc thiết bị, máy tính, linh kiện điện tử, sản phẩm sắt thép… Đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho nhiều công ty tại Việt Nam nên các DN tăng tìm mua nguyên liệu trong nước. Các DN FDI tại Đồng Nai đã nắm bắt nhu cầu trên để mở rộng tiêu thụ trong nước.

Do đó, trong tháng 7-2021, hàng hóa của DN FDI trong các KCN tiêu thụ trong nước gần 566 triệu USD, tăng hơn 22% (tương đương 103 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, 7 tháng của năm 2021, các DN FDI tiêu thụ ở thị trường nội địa gần 4,4 tỷ USD, tăng trên 17% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã ký kết được hợp đồng cung ứng sản phẩm cho những công ty trong và ngoài tỉnh đã giúp cho Đồng Nai giữ vững được xuất siêu, trong khi cả nước phải nhập siêu đến hơn 2,7 tỷ USD. Đồng thời, xuất siêu của tỉnh liên tục tăng qua các năm, dù dịch bệnh tác động xấu đến sản xuất công nghiệp.

Ông Kim Byunggi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity ở KCN Amata (TP.Biên Hòa) cho biết: “Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity trực thuộc Tập đoàn Hansol Technics – Hàn Quốc, chuyên sản xuất linh kiện điện tử cung ứng cho Tập đoàn Samsung. Mới đây, công ty đầu tư tiếp nhà máy ở KCN Hố Nai giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD với công suất gần 11 triệu sản phẩm/năm”. Mục tiêu của Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity là mở rộng sản xuất để cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tương tự, nhiều tập đoàn, DN FDI tại Đồng Nai cũng chú trọng đến tiêu thụ sản phẩm ở trong nước hơn như: Nestlé, Formosa, Hyosung, Schaeffler, Kenda, Fujitsu, Boss, Kiến Đạt…

* Xuất khẩu tăng nhẹ

Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 7 tháng qua là gần 13,8 tỷ USD, trong đó, các DN FDI trong các KCN xuất khẩu hơn 8 tỷ USD, chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Do chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu của những DN FDI trong các KCN trên địa bàn tỉnh chỉ tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Dự tính, trong quý III-2021, xuất khẩu của DN FDI cũng như DN có vốn đầu tư trong nước sẽ khó duy trì mức tăng trưởng khá, vì các DN vẫn đang “gồng mình” để phòng, chống dịch bệnh và duy trì sản xuất.

Ông Trần Khánh Huy, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Koyu& Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) cho hay: “Đợt dịch lần thứ 4 ảnh hưởng rất lớn đến công ty, các đơn hàng xuất khẩu giảm, việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều trở ngại do thiếu container và chi phí tăng cao. Vì thế, công ty rất mong đại dịch trong nước nước ngoài sớm được khống chế, đẩy lùi để giao thường trở lại bình thường, DN có thể mở rộng xuất khẩu”.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý III-2021 của Việt Nam có thể sẽ giảm so với 2 quý đầu năm, vì dịch bệnh dẫn đến nhiều DN phải giảm, tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 15-30 ngày để hạn chế dịch bệnh lây lan. Sản xuất công nghiệp giảm sẽ kéo theo xuất khẩu bị ảnh hưởng. Hiện nay, nhiều DN đang kỳ vọng trong 1-2 tháng tới sẽ có vaccine phòng Covid-19 tiêm đồng loạt cho người lao động trong các nhà máy và ngoài cộng đồng, dịch bệnh sẽ được khống chế tốt. Như vậy, DN có thể khôi phục sản xuất và tăng tốc để bù lại.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, UBND tỉnh có chỉ đạo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai kiểm tra các DN đang thực hiện cho lao động lưu trú tại nhà máy để hướng dẫn thực hiện đúng yêu cầu trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, qua đó nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, giúp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có hơn 1,2 ngàn DN tổ chức cho người lao động lưu trú tại công ty để duy trì sản xuất (có nhiều DN FDI). Trong đó, có 1.156 DN nằm trong các KCN và gần 100 DN ở ngoài KCN.

Theo Báo Đồng Nai

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo