Thời gian qua, đặc biệt là trong 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ luôn quan tâm đến ngành du lịch và đã có nhiều quyết sách để hỗ trợ ngành kinh tế mũi nhọn này. Đơn cử như chính sách miễn giảm tiền điện trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát để giảm bớt áp lực cho các cơ sở lưu trú; giảm 80% tiền ký quỹ thành lập các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành. Bên cạnh đó, Chính phủ còn hỗ trợ trực tiếp cho lực lượng hướng dẫn viên du lịch 3,7 triệu đồng/người để chia sẻ khó khăn.

Mới đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Ngoài ra, trong các nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các cơ sở kinh doanh du lịch đều được hưởng những chính sách về an sinh xã hội, chính sách tín dụng hiện hành.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bích – CEO Mekong Rustic cho biết, mặc dù Chính phủ đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, tuy nhiên để vay được nguồn vốn ưu đãi này, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp du lịch trong 6 tháng đầu năm 2022 phải có lãi, điều kiện này không sát với thực tế vì du lịch nước ta mới mở cửa lại từ giữa tháng 3.

Thời gian qua, Chính phủ luôn quan tâm đến ngành du lịch và đã có nhiều quyết sách để hỗ trợ du lịch.

Ngoài ra, gói vay ưu đãi của ngân hàng cho vay nhưng yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản bất động sản thế chấp. Điều kiện khó như vậy thì doanh nghiệp khó càng thêm khó trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ về vốn. Do đó, tôi mong muốn Chính phủ sẽ có những chính sách dễ tiếp cận hơn với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt và đang muốn mở rộng thị trường.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Khánh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, chưa có doanh nghiệp nào trong hiệp hội tiếp cận được chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.

Tự xoay sở sau đại dịch, doanh nghiệp du lịch tại TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực xây dựng nhiều chương trình, sản phẩm mới nhằm đón đầu du khách quốc tế, khi thị trường khôi phục hoàn toàn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn, không chỉ vốn để duy trì, vận hành, củng cố chất lượng dịch vụ các chương trình cho du khách nội địa, mà cần phải đẩy mạnh tương tác với các đối tác truyền thống, xúc tiến kết nối tìm thị trường mới.

Còn ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông Marketing TSTtourist cũng trông chờ sự vào cuộc của các bộ, ngành trong đánh giá, dự báo trước tình hình, tham mưu cho Chính phủ nếu thuế phí nào có thể điều tiết thì ưu tiên giải quyết, mở đường cho doanh nghiệp trước khi tình huống khó khăn xảy ra. Theo ông Mẫn, điều này thiết thực hơn gói hỗ trợ 2% lãi suất.

Nhìn sang các nước trong khu vực, ông Nguyễn Khoa Luân cho rằng, chính sách hỗ trợ phục hồi du lịch sau COVID-19 của nước ta triển khai chậm hơn, lãi suất vay cao hơn, điều đó mất đi tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với khu vực.

Thực tế, Chính phủ rất quyết tâm phục hồi kinh tế qua các chính sách điều hành vĩ mô, nhưng tình trạng “trên thông, dưới tắc” như quá trình triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất hiện nay sẽ khiến các chương trình hỗ trợ phục hồi không còn mang ý nghĩa tạo động lực kích thích nền kinh tế phát triển.

Theo Diendandoanhnghiep.vn