Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Hải)
Các doanh nghiệp châu Âu đã kết thúc năm 2021 với tinh thần tích cực và lạc quan hơn về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam, dựa trên kết quả mới nhất của Chỉ số Môi trường kinh doanh (Business Climate Index – BCI) từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Chỉ số Môi trường kinh doanh là thước đo thường xuyên của các nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu. Hằng quý, EuroCham tiến hành khảo sát hơn 1.200 hội viên – bao gồm lãnh đạo các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong mọi lĩnh vực – về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam cũng như dự đoán về triển vọng tăng trưởng của các công ty của họ. Kể từ năm 2020, Khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh được YouGov Việt Nam thực hiện.
Theo báo cáo, hơn một nửa (58%) lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu hiện đang dự đoán sự ổn định và tăng trưởng kinh tế trong quý I/2022, tăng 8 điểm so với kỳ trước. Trong khi đó, chưa đến một phần năm (17%) dự đoán sự suy giảm – con số này gần như đã giảm một nửa kể từ kết quả gần đây nhất.
Lãnh đạo các doanh nghiệp cũng tin tưởng hơn về triển vọng phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ “bình thường mới” này. Do đó, 43% có kế hoạch tăng đầu tư vào quý đầu tiên của năm 2022, so với chỉ 17% ba tháng trước. Tương tự, hơn một phần ba (38,5%) dự định tăng số lượng nhân viên của họ – một mức tăng khoảng 15% so với kỳ trước. Hơn một nửa (51,5%) số người tham gia khảo sát dự đoán tăng đơn đặt hàng và doanh thu, một mức tăng 7,5 điểm phần trăm so với quý III.
Bình luận về Chỉ số Môi trường kinh doanh, Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho biết, những số liệu mới nhất này là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam hiện nay khi đại dịch đã được kiểm soát trở lại cũng như theo định hướng rõ ràng của Chính phủ rằng chúng ta học cách sống chung với virus. Theo ông, lãnh đạo các doanh nghiệp hoan nghênh khi được trở lại cuộc sống và hoạt động kinh doanh như bình thường, và đặc biệt là việc nới lỏng các yêu cầu nhập cảnh đối với những người nước ngoài đã được tiêm chủng sang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Ông cho rằng quy định mới này sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao lòng tin của lãnh đạo doanh nghiệp hơn nữa.
Theo Chủ tịch EuroCham Alain Cany, một số ngành vẫn có nguy cơ tụt hậu trong cuộc đua phục hồi sau đại dịch, chẳng hạn như du lịch. Ông cho rằng Chính phủ nên tiến xa hơn và nhanh hơn trong việc mở cửa trở lại – ít nhất là ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao – để Việt Nam có thể đạt được tiềm năng lớn nhất của mình trong việc phục hồi nền kinh tế và thu hút nhiều hơn các khoản đầu tư nước ngoài trong năm 2022.
Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam Thue Quist Thomasen cho biết dữ liệu của YouGov cho thấy sự tự tin và lạc quan đang trở lại khi các công ty được phép hoạt động bình thường. Các doanh nghiệp châu Âu đang có kế hoạch tăng nguồn nhân lực, kế hoạch đầu tư và doanh thu do hiện tại đại dịch đã được kiểm soát. Thách thức hiện nay là tận dụng tâm lý tích cực này và đảm bảo rằng các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực và ngành nghề có thể hoạt động hết khả năng của mình. Làm như vậy, các doanh nghiệp châu Âu sẽ có thể đóng góp lớn nhất có thể vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vào năm 2022.