Thời gian gần đây, tình trạng gần cạn ‘“room” tín dụng tại một số ngân hàng thương mại khiến việc mở rộng hoạt động tín dụng tại các ngân hàng này phần nào bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngay từ đầu năm 2022, cơ quan này đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm, có điều chỉnh tùy theo diễn biến thực tế của nền kinh tế. Và tính đến ngày 9/6, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng khá cao, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế, nhưng cũng còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề ra.
Thực tế 11 năm qua, kể từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã áp dụng cơ chế cấp “room” tín dụng, song song với việc nâng cao áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động quản trị của hệ thống ngân hàng.
Đáng chú ý, qua khảo sát, trong ba năm trở lại đây, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại đều vượt 20% dù định hướng tăng trưởng tín dụng chỉ 14%, thậm chí là 12%. Với tốc độ tăng trưởng lớn như vậy, nếu không kiểm soát “room” tín dụng, áp lực lạm phát sẽ rất lớn, áp lực tăng lãi suất huy động cũng rất cao, kéo theo đó là tác động đến lãi suất cho vay và nợ xấu tăng theo. Đây cũng là lý do mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng “room” tín dụng.
Hằng năm, Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở chỉ tiêu lạm phát, GDP của Quốc hội đề ra để đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cho cả năm, nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt tùy diễn biến thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và dựa vào sức khỏe của từng tổ chức tín dụng. Và biện pháp này được đánh giá rất hiệu quả, đưa thị trường tiền tệ ổn định trở lại sau khoảng thời gian tăng trưởng nóng.
Thời gian tới, nền kinh tế sẽ còn phải đối mặt nhiều khó khăn, trong đó có nguy cơ lạm phát. Khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, sau thời gian trầm lắng, dòng tiền đứt đoạn thì đến giai đoạn phục hồi nhu cầu tiền đưa vào lưu thông, nhu cầu tín dụng tăng lên là vấn đề cần tính toán, xem xét, trước yếu tố tác động đến lạm phát.
Ngoài ra, tình hình giá cả xăng dầu trong nước, quốc tế có chiều hướng tăng, xung đột tại một số quốc gia và tình hình lạm phát ở mức cao của một số nước như Mỹ, Anh, Đức,… cũng đã tác động trực tiếp đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đã đánh giá những tác động và sẵn sàng lường trước những bất lợi có thể lớn hơn nữa trong thời gian tới. Do đó, cơ quan này sẽ linh hoạt thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất trong công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn là bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Hiện nay, theo thống kê, nhiều ngân hàng còn “room” tín dụng, và chỉ có số ít ngân hàng gần cạn “room” tín dụng. Do vậy, đây cũng là cơ hội để những ngân hàng gần cạn “room” tín dụng xem xét lại rủi ro, đánh giá chính xác khi cấp tín dụng. Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn huy động, từ đó góp phần chuyển tải dần vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế từ hệ thống ngân hàng sang các phân khúc khác của thị trường vốn.
Theo Nhandan