Điện Biên quyết liệt thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh

       Đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Điện Biên ký cam kết thực hiện các giải pháp cải thiện bền vững chỉ số PCI.

Không chỉ thẳng thắn nhận diện những điểm tồn tại, nút nghẽn trong năng lực điều hành, Điện Biên còn cầu thị, lắng nghe các chuyên gia phân tích chi tiết từng chỉ tiêu thấp điểm, giảm điểm khiến Điện Biên tụt liền 7 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2021. Trên cơ sở đó, Điện Biên đề ra giải pháp rõ ràng, giao trách nhiệm cụ thể đến từng ngành, từng địa phương trong thực hiện mục tiêu cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI, phấn đấu vào top 30 tỉnh, thành phố trong toàn quốc.

Nhiều vấn đề chưa được giải quyết như mong đợi

Phân tích báo cáo PCI năm 2021, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Giám đốc Dự án PCI quốc gia, chỉ rõ: PCI của Điện Biên đạt 61,86 điểm (giảm 7 bậc so với năm 2020) và xếp thứ 53 trên bảng xếp hạng toàn quốc, xếp thứ 10/14 tỉnh miền núi biên giới phía bắc. Trong 10 chỉ số thành phần PCI, Điện Biên có 2 chỉ số tăng cả điểm và xếp hạng, gồm: Tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự; hai chỉ số tăng điểm nhưng giảm xếp hạng, gồm: Tính năng động và tiên phong của chính quyền; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; hai chỉ số giảm điểm nhưng tăng xếp hạng, gồm: Gia nhập thị trường; Đào tạo lao động. Và điều đặc biệt rất cần suy nghĩ ấy chính là bốn chỉ số: Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng của Điện Biên đều giảm cả điểm và xếp hạng so với năm 2020 và những năm trước.

Làm rõ nội dung chỉ số chi phí thời gian, ông Đậu Anh Tuấn đã chỉ ra rằng, Điện Biên rất cần quan tâm cải thiện chỉ số này để thu hút nhà đầu tư về địa bàn. Ông Đậu Anh Tuấn phân tích: Không có lợi thế bằng các địa phương khác vì xa trung tâm kinh tế lớn, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, còn nhiều khó khăn vậy thì Điện Biên cần hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục trong thời gian ngắn nhất, như thế mới tạo sức hút “níu” nhà đầu tư đến rồi ở lại. Cũng như thế, với các chỉ số khác, như: Cạnh tranh bình đẳng, tính minh bạch… Điện Biên hoàn toàn đủ điều kiện, khả năng cải thiện khi sử dụng hiệu quả nền tảng công nghệ thông tin và cơ quan chuyên môn điều hành, giám sát.

Chung quanh nguyên nhân Điện Biên giảm bậc trong bảng xếp hạng PCI năm 2021, ông Nguyễn Chí Ba, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Điện Biên cũng cho rằng, cơ bản là do các yếu tố chủ quan, mà cụ thể là nhân tố con người. Ông Ba, nói rằng: Trong khi cải cách hành chính còn bất cập, nhất là việc xây dựng các hồ sơ, tài liệu, biểu mẫu, tài liệu hướng dẫn thủ tục hành chính chưa được thực hiện tốt đã gây khó khăn đối với doanh nghiệp, cùng với đó còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức luôn làm việc với tâm trạng “sợ sai” càng gây cản trở doanh nghiệp khi làm thủ tục. Việc phối hợp giữa các sở, ngành chưa chặt chẽ, chưa chủ động tham mưu giải quyết kịp thời kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp đã tác động không nhỏ đến tâm lý, nhiệt huyết của nhà đầu tư.

Cảm ơn ý kiến chuyên gia, đại diện cộng đồng doanh nghiệp tỉnh đã thẳng thắn đề cập, phân tích cụ thể nội dung chỉ số trong bảng xếp hạng PCI của tỉnh Điện Biên, tại hội nghị triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và phân tích chuyên sâu về chỉ số PCI tỉnh Điện Biên năm 2021; phương hướng, giải pháp cải thiện PCI năm 2022, do UBND tỉnh Điện Biên tổ chức ngày 12/6, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng, cho biết: Thời gian qua mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, cùng với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, năm 2021 Điện Biên vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực.

Tuy nhiên, soi rọi kết quả phát triển kinh tế của Điện Biên với thực tiễn và bảng xếp hạng PCI của Điện Biên năm 2021, ông Nguyễn Văn Thắng thẳng thắn đánh giá: Chỉ số PCI của tỉnh Điện Biên chưa có nhiều cải thiện, chưa thật sự được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá và ghi nhận cao. Điều đó cho thấy vẫn còn khoảng cách về chính sách và thực thi chính sách chưa được lấp đầy; những khó khăn, vướng mắc và cả những trăn trở mà doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tháo gỡ chưa được giải quyết như mong đợi; những kỳ vọng và mục tiêu cần hướng tới chưa đạt được và còn rất nhiều việc chúng ta cần phải trăn trở, suy nghĩ một cách nghiêm túc, thẳng thắn và tập trung giải pháp giải quyết!

Triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới thiết thực, hiệu quả

Điện Biên quyết liệt thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh -0
 Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Điện Biên chứng kiến ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc với ngành nông nghiệp Điện Biên.

Đặt mục tiêu Điện Biên cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI, năm 2022 phấn đấu vươn lên trong top 30 tỉnh/thành phố trong bảng xếp hạng PCI quốc gia, ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên chỉ rõ từng nhóm chỉ số phải thay đổi. Theo đó, phấn đấu có ít nhất 3 chỉ số ưu tiên cải thiện mạnh mẽ, vượt bậc, vươn lên trong top 15, gồm: chỉ số tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; 3 chỉ số trong top 30, gồm: tính năng động; hỗ trợ doanh nghiệp và chỉ số đào tạo lao động; bốn chỉ số còn lại phấn đấu cải thiện điểm số và nâng hạng so với 2021.

Để đạt mục tiêu đề ra, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên yêu cầu thủ trưởng các cấp, các ngành, chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của đơn vị mình, ngành mình và cá nhân người đứng đầu trước nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; từ đó chủ động chuyển hóa, triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới thiết thực, hiệu quả.

Giao nhiệm vụ các đơn vị đầu mối các chỉ số giảm điểm và giảm hạng, gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư (Gia nhập thị trường, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng); Sở Lao động Thương binh và Xã hội (chỉ số đào tạo lao động); Thanh tra tỉnh (chi phí không chính thức), ông Nguyễn Văn Thắng cũng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan cần nghiêm túc, khẩn trương phối hợp với cơ quan được giao chủ trì các chỉ tiêu thành phần nghiên cứu các giải pháp cụ thể, cách làm hay của các tỉnh/thành phố có chỉ số thành phần dẫn đầu để đề ra giải pháp thiết thực, hiệu quả gắn với công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát quá trình triển khai thực hiện theo từng quý để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Khắc phục ngay các phản ánh về thanh tra chồng chéo thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng giao Thanh tra tỉnh chủ trì xây dựng thống nhất một kế hoạch thanh tra/1 năm trên toàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng thanh tra chồng chéo. Quá trình thực thi nhiệm vụ, Thanh tra tỉnh cần kịp thời phát hiện, tham mưu chấn chỉnh những nhũng nhiễu trong công tác thanh kiểm tra, cũng như các công tác khác liên quan đến doanh nghiệp, để tạo niềm tin hơn nữa giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn.

Với mục tiêu nỗ lực tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, công bằng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các thành phần doanh nghiệp, các nhà đầu tư, trong đó thúc đẩy kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, ông Nguyễn Văn Thắng yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố  có trách nhiệm công bố công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời các quy trình giải quyết thủ tục hành chính cũng như các cơ chế, chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình.

Cùng với đó, khẩn trương rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trên tinh thần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thủ trưởng các ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương thực hiện công khai, minh bạch quy trình, thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai khi triển khai các dự án đầu tư có sử dụng đất; cấp phép kinh doanh có điều kiện…

Đề cập vai trò, tầm quan trọng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu trong thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải triển khai nhiều cách thức đánh giá chất lượng cán bộ công chức, nhất là cán bộ, công chức làm việc tại các trung tâm phục vụ hành chính công nhằm nâng cao trách nhiệm, thái độ ứng xử làm việc đội ngũ cán bộ tiếp xúc trực tiếp với nhà đầu tư, doanh nghiệp.

“Nếu để cán bộ, công chức đơn vị mình có hành vi nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính cũng như các hoạt động công vụ có liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp do đơn vị mình đảm trách thì thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm”, Bí thư Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Với những điều lãnh đạo Tỉnh ủy Điện Biên chỉ đạo rõ việc, rõ ngành và rõ người, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Điện Biên đều tin tưởng môi trường đầu tư kinh doanh tại Điện Biên sẽ ngày càng cải thiện mạnh mẽ, Điện Biên sẽ là điểm đến với nhân dân, nhà đầu tư trong nước, thế giới…

Theo Nhandan

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo