Tiếp cận và làm chủ công nghệ là “chìa khóa” quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta ngày càng xuất hiện nhiều nông dân áp dụng hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất bằng phương pháp tự động hóa nhằm tối ưu quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.
Tiên phong ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Thỏa, đội 4, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) rất hài lòng với hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước cho hơn 7.000m2 rau màu và cây ăn quả của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Thỏa cho biết: Việc áp dụng hệ thống tưới phun đã giúp gia đình tiết kiệm thời gian rất nhiều. Nếu trước đây mỗi lần tưới cây, rau màu, gia đình mất khoảng 2 – 3 giờ đồng hồ thì nay chỉ cần một người điều khiển từ xa cũng có thể hoàn thành trong thời gian khoảng 10 phút. Đặc biệt, trên cùng một diện tích, nếu sử dụng phương pháp tưới truyền thống có thể tốn hàng nghìn lít nước, nhưng áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm này chỉ khoảng vài trăm lít nước. Bên cạnh đó, phương pháp tưới này còn giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt do đất luôn luôn ẩm.
Hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt gồm 3 bộ phận: Máy bơm, bộ điều khiển trung tâm, hệ thống ống, dây nhỏ giọt được dẫn theo các luống cây trồng. Trên đường ống, tại những điểm nhỏ giọt nước đều có áp lực nhỏ như nhau để luôn giữ lượng nước đồng đều khi tưới, chống xói lở đất. Khác với phương pháp tưới truyền thống, tưới phun hoặc nhỏ giọt chỉ cần mở van thì tất cả các vị trí cây trồng đều được tưới nước giúp cho đất luôn giữ được độ ẩm, tơi xốp. Bên cạnh đó, hệ thống tưới này còn giúp giảm chi phí cũng như tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Với hiệu quả thiết thực, hệ thống tưới phun hoặc tưới nhỏ giọt ngày càng được nhiều nông dân ứng dụng vào sản xuất.
Cũng khởi nghiệp từ nông nghiệp, nhưng cách làm của chị Nguyễn Thị Loan, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Loan Nhẹ khác nhiều người. Với sự nhanh nhạy của bản thân và sự trợ giúp đắc lực của công nghệ số, chị Loan đã gây dựng thành công mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo. Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, năm 2014 gia đình chị Loan đầu tư kỹ thuật, máy móc, nguyên vật liệu làm phòng thí nghiệm để nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo. Quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo yêu cầu rất nghiêm ngặt, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là cơ chất phải chính xác, giống phải đảm bảo, điều kiện về độ ẩm, ánh sáng theo tiêu chuẩn. Bởi đây là sản phẩm được nuôi cấy trong môi trường hoàn toàn vô trùng, không chất kích thích, không chất bảo quản, hoàn toàn bằng công nghệ sinh học. Nấm đông trùng hạ thảo được nuôi dưỡng trong môi trường có các yếu tố không khí, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng được điều khiển hoàn toàn tự động theo chương trình đã được lập trình.
Đến nay, thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí của gia đình chị Loan là 400 triệu đồng/năm. Ngoài cung cấp phôi giống, chị Loan còn sản xuất rượu đông trùng hạ thảo ngâm mật ong rừng; đông trùng hạ thảo khô và đông trùng hạ thảo tươi thương phẩm. Sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo và đông trùng hạ thảo khô của gia đình đã được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; đồng thời đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.
Ông Thỏa, chị Loan chỉ là hai trong số nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã và đang ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và sự mạnh dạn, quyết đoán của những “nông dân 4.0”, nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao ngày càng được nhân rộng. Từ đó chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Đó là cơ sở để thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tăng cường các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn; khơi dậy khát vọng sáng tạo, phát triển cho nông dân.
Theo Báo Điện Biên Phủ