Với tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 5 triệu héc-ta, chiếm 91,75% diện tích đất tự nhiên, Tây Nguyên là một trong những trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn nhất cả nước với sự dồi dào về sản lượng và phong phú về chủng loại. Tây Nguyên có khí hậu thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây trồng có chất lượng cao, sản lượng lớn và khả năng cạnh tranh, như: Cà-phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, cao-su, sâm Ngọc Linh… Vấn đề là làm thế nào để nông nghiệp Tây Nguyên hội nhập và phát triển?
Khai thác tiềm năng, thế mạnh
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), năm 2021, nông nghiệp Tây Nguyên đã ghi dấu một năm thành công khi có tỉnh vừa kết nối tiêu thụ nông sản hiệu quả ở thị trường trong nước, vừa xuất khẩu đạt mức một tỷ USD. Trong khi các mặt hàng rau quả của các tỉnh Tây Nguyên có một năm “vượt khó-thoát hiểm” thì các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà-phê, cao-su, hồ tiêu lại khai thông bế tắc, phát triển ấn tượng. Không chỉ tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu (có hai tỉnh đạt hơn một tỷ USD), năm 2021, nông sản Tây Nguyên còn thâm nhập mạnh mẽ hơn vào các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn hàng hóa cao như Nhật Bản và EU.
So với bảy vùng sinh thái của nông nghiệp Việt Nam thì Tây Nguyên là vùng có lợi thế cạnh tranh với quỹ đất bazan tập trung, bà con nông dân có kinh nghiệm hàng trăm năm trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu, cà-phê, cao-su, chè; bình quân diện tích sản xuất hộ gia đình rộng hơn so với các nơi khác cho nên dễ tiếp cận cơ giới hóa. Đây là một trong những lợi thế để các loại cây trồng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã rất tích cực áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Người nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học-công nghệ và liên kết sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất thông qua hình thành các doanh nghiệp đầu tàu, lôi cuốn các thành phần kinh tế khác để có tổng giá trị sản phẩm lớn hơn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Sở NN và PTNT tỉnh Lâm Đồng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ hiện đại đã có tác động lớn đến sản xuất và người nông dân. Đến nay, tỉnh Lâm Đồng có hơn 63 nghìn héc-ta đất sản xuất đáp ứng tiêu chí sản xuất công nghệ cao, chiếm 21% diện tích đất canh tác toàn tỉnh; hiện tỉnh hình thành bảy vùng sản xuất công nghệ cao, đạt 35-40% giá trị sản xuất toàn ngành; bình quân đạt 400 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, nông nghiệp Tây Nguyên cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn, mà theo Thứ trưởng NN và PTNT Phùng Đức Tiến, những khó khăn, thách thức Tây Nguyên đang phải đối diện đó là: Tác động biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng thiếu nước tưới trong mùa khô; sâu bệnh nhiều, dẫn đến phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cây trồng, tăng chi phí đầu vào sản xuất, gây khó khăn cho sản xuất chứng nhận và quản lý chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, hiện nay diện tích nuôi, trồng vẫn chưa thật sự lớn; công nghệ canh tác, thu hoạch còn thủ công, lạc hậu; khâu thu hoạch, chế biến chưa phát triển, chủ yếu là sơ chế.
Để khắc phục những bất cập và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản bền vững, nâng tầm giá trị nông sản vùng Tây Nguyên, Bộ NN và PTNT đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ; chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; coi trọng đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên động lực là “khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Theo Bộ NN và PTNT, các tỉnh cần triển khai đồng bộ bốn quy hoạch: Quốc gia, vùng, tỉnh, ngành; phải liên thông được bốn quy hoạch và đưa những quy hoạch này gặp nhau tại một điểm để phát huy được lợi thế so sánh của các tỉnh và của cả vùng Tây Nguyên; đẩy mạnh sản xuất gắn với phát triển du lịch nông nghiệp theo nhiều hình thức; xây dựng, quảng bá để Tây Nguyên trở thành điểm đến của các nhà đầu tư và du khách trong nước và quốc tế.
Liên kết để phát triển
Tại Diễn đàn Kết nối Tây Nguyên với chủ đề “Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên” do Bộ NN và PTNT tổ chức mới đây tại Gia Lai, nhiều ý kiến của nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp… đã đóng góp nhiều ý kiến giá trị, mang tính thực tiễn cao.
Để phát huy hiệu quả tiềm năng và lợi thế của Tây Nguyên, Thứ trưởng NN và PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Trước tiên cần đẩy mạnh kết nối cả ở trong và ngoài nước, mở rộng không gian tiêu thụ nông sản và nâng cao giá trị hàng nông sản Tây Nguyên khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; đổi mới mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, có giá trị gia tăng cao và bền vững. Cùng với đó, quá trình tổ chức sản xuất được sự đồng thuận và phù hợp năng lực, nguyện vọng của người dân; tích hợp đa ngành, đa giá trị gắn kết chặt chẽ giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên với các vùng kinh tế khác theo chuỗi giá trị.
Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Dũng cho biết, để nông nghiệp Tây Nguyên phát triển nhanh, hiệu quả, trở thành các ngành hàng xuất khẩu, tập trung quy mô lớn, chủ động ứng phó rủi ro, có tính cạnh tranh quốc tế cao, cần phải phát triển theo liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ… Trong khi đó, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Lâm Đồng, Nguyễn Văn Sơn cho rằng, kinh nghiệm của Lâm Đồng là việc sản xuất phải dựa trên các liên minh sản xuất và chuỗi giá trị; người sản xuất phải gắn kết với nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác và tạo ra khối lượng sản phẩm đủ lớn, ổn định để tham gia vào các chuỗi tiêu thụ.
Theo ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, trong thời buổi kinh tế thị trường, Việt Nam gia nhập các tổ chức thương mại thế giới, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản Việt Nam. “Doanh nghiệp cần hỗ trợ người nông dân tiếp cận, đào tạo và cập nhật các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Còn người sản xuất phải có ý chí mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực, thay vì thu mình lại trong ngôi nhà, bờ ruộng, mảnh vườn”, ông Hiệp cho biết.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành, cơ cấu lại ngành nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Gia Lai, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và bảo đảm nâng cao đời sống của người dân. “Trên cơ sở đó, Gia Lai xác định nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp là những chủ thể quan trọng trong thực hiện cơ cấu lại, từ đó vào cuộc quyết liệt để huy động các thành phần này tham gia xây dựng chuỗi liên kết, tạo giá trị gia tăng và phát triển bền vững hơn”, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Johan Van Den Ban, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus Việt Nam cho biết: “Trong thời gian tới, De Heus sẽ hợp tác đầu tư xây dựng chuỗi các dự án tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm xây dựng Tây Nguyên là vùng an toàn dịch bệnh, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín. Qua đó, định hình Tây Nguyên trở thành trung tâm cung cấp heo giống và phát triển các mô hình chăn nuôi hiện đại, khép kín…”.
Nhìn một cách tổng thể, Tây Nguyên có quỹ đất lớn và chất lượng rất tốt, có điều kiện sinh thái và lượng mưa lớn. Tuy nhiên, trước mắt và lâu dài cần đầu tư những giải pháp để khai thác tiềm năng tổng hợp. Đó là đầu tư mạnh về chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng các giải pháp về nông nghiệp thông minh; đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng; trong đó chú trọng kết nối hành lang đa dạng sinh học với các vùng Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ; nâng cao chuỗi giá trị, đặc biệt là giải pháp về logistics để bảo đảm chuỗi đồng bộ. Có như vậy, nông sản Tây Nguyên mới nâng cao được năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Nhandan