Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến thương mại điện tử

Ngày 09/3/2022, tại trụ sở Bộ Công Thương, thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã làm việc với Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin mạng do đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn.

Tham gia buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện của các đơn vị: Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Xúc tiến thương mại, Tổng cục Quản lý thị trường, Tạp chí Công Thương, Báo Công Thương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đã chuẩn bị rất đầy đủ, chi tiết Báo cáo của Bộ về tình hình xây dựng, cũng như thực trạng thi hành các văn bản pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số, xúc tiến thương mại, cạnh tranh, phòng chống gian lận thương mại; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực trạng thực thi pháp luật, thực trạng phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan từ trung ương đến địa phương trong các lĩnh vực Bộ quản lý. Đồng thời, trong Báo cáo cũng đã tóm tắt các nội dung liên quan đến việc nghiên cứu, đàm phán, gia nhập và ký kết các điều ước quốc tế song phương và đa phương liên quan đến nội dung giám sát. Từ thực trạng quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao, Bộ Công Thương đã phân tích về những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, từ đó nêu rõ các kiến nghị, đề xuất cụ thể cho Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban ngành liên quan.

Về những lĩnh vực cụ thể có liên quan đến nội dung buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng trong thời gian gần đây là vấn đề nóng, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hành vi người tiêu dùng ngày càng phụ thuộc vào thông tin, dữ liệu trên mạng.

Theo Thứ trưởng, việc xây dựng hoặc sửa đổi các văn bản luật về thông tin điện tử, giao dịch điện tử, về công nghệ số, chuyển đổi số… là cần thiết, nhưng cần thận trọng để tránh chồng chéo với các văn bản pháp luật hiện có, đặc biệt là pháp luật chuyên ngành. Những luật mới xây dựng cần tập trung tạo dựng khung pháp lý chung cho dòng chảy thông tin và giao dịch điện tử, chứ không đi sâu vào điều chỉnh các quan hệ xã hội, giao dịch và dịch vụ trong lĩnh vực chuyên ngành.

Hiện tại, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Công Thương xác định một trong các nhóm chính sách cơ bản có liên quan đến quy định về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng cần hoàn thiện là các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế.

Trong hoạt động phối hợp thực thi pháp luật về TMĐT, Bộ Công Thương kiến nghị xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và hình thành lực lượng phản ứng nhanh để kịp thời xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến thương mại điện tử, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử giữa các lực lượng thực thi pháp luật; tăng cường năng lực thống kê về thương mại điện tử ở cấp quốc gia, ngành hàng và địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương nhấn mạnh, lĩnh vực kinh tế số có phạm vi mang tính chất bao trùm các hoạt động kinh tế liên quan đến rất nhiều ngành kinh tế – kỹ thuật thông tin và truyền thông, công an, thuế, ngân hàng… Vì vậy, Bộ Công Thương cần có nghiên cứu, đề xuất cụ thể phạm vi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ phù hợp trong mối tương quan với các Bộ, ngành khác.

Bộ Công Thương rất hoan nghênh sự phối hợp làm việc của Ủy ban và mong nhận được nhiều đóng góp ý kiến cho Bộ Công Thương nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng” – Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Thương mại điện tử (TMĐT), năm 2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT và KTS), Bộ Công Thương đã tiếp nhận hồ sơ, tư vấn và hỗ trợ hơn 10.280 doanh nghiệp và gần 1.080 cá nhân đăng ký tài khoản, thực hiện thủ tục thông báo cho hơn 12.980 website TMĐT và hơn 1.196 website cung cấp dịch vụ TMĐT thực hiện thủ tục đăng ký.

Trong năm 2021, Cục tiếp nhận và xử lý 150 lượt phản ánh trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử, trong đó bao gồm các hành vi vi phạm chính như: không đăng ký, thông báo website, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng.

Bộ Công Thương (Cục TMĐT và KTS, Tổng cục Quản lý thị trường) đang phối hợp với các cơ quan liên quan (lực lượng công an các địa phương, hải quan, thuế…) tiến hành theo dõi, thu thập các thông tin về dấu hiệu vi phạm trên nền tảng TMĐT, dấu hiệu vi phạm về việc kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại nhiều điểm nóng trên cả nước để tiến hành điều tra, xử lý theo vụ việc.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang mở rộng, nâng cấp Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT nói trên và hoàn thiện xây dựng “Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử”, đảm bảo việc thực hiện cam kết cải cách thủ tục hành chính của Bộ Công Thương với cộng đồng doanh nghiệp, và người dân. Thủ tục khiếu nại được thực hiện trực tuyến và miễn phí. Mục tiêu của Hệ thống nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vấn nạn hàng giả trong TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tăng cường công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Là cơ quan trực thuộc Chính phủ quản lý nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực thiết yếu, quan trọng của nền kinh tế được điều chỉnh bởi nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương luôn xác định vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Trong quá trình xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã phối hợp, xin ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp trong đó có các hội, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ như Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN,… Ý kiến của các tổ chức đều được tiếp thu, góp phần hoàn thiện nội dung văn bản.

Nhằm phù hợp với tình hình dịch Covid-19 phức tạp, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ nghiên cứu, đẩy mạnh phối hợp các đơn vị là Hội, Hiệp hội tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tuyến cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Các hội nghị, hội thảo đã được tổ chức sử dụng nguồn lực xã hội hóa và hướng tới nhiều đối tượng khác nhau như người dân, doanh nghiệp, như: xúc tiến về đầu tư, hội nghị giao thương và tập huấn nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, đẩy mạnh đưa tin, đăng tải các thông tin, bài viết, nghiên cứu pháp lý trên Cổng thông tin của Bộ Công Thương và các Website chuyên môn của các Vụ, Cục.

Theo MOIT

Bài viết liên quan

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo