Địa bàn có nhiều tiềm năng
Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên nhằm tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành Công Thương năm 2021, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2022 của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên; qua đó định hướng mục tiêu, giải pháp nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ngành Công Thương để hoàn thành mục tiêu kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022. Đây là điều kiện tốt để các địa phương tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh liên kết hợp tác, nâng cao hiệu quả công tác, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội hợp tác phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, góp phần phát triển ngành Công Thương trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Khu vực miền trung – Tây Nguyên có vị trí kinh tế, địa lý giữ vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh; là địa bàn nhiều tiềm năng, lợi thế riêng, thuận lợi cho phát triển trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao. Đây còn là khu vực có hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng biển và cảng hàng không… thuận lợi giao thương nội vùng và với các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và xa hơn là các nước Nam Á, vùng Tây Nam Trung Quốc thông qua trục hành lang kinh tế Đông – Tây.
Thời gian qua, 15 tỉnh, thành phố khu vực miền trung – Tây Nguyên đã đạt thành tựu lớn trên nhiều mặt… Nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước (+6,42%) như: Quảng Nam (+12,8%), Khánh Hòa (+12,58%), Kon Tum (+9,69%), Lâm Đồng (+9,29%), Đắk Lắk (+7,37%), Đà Nẵng (+7,23%), Bình Định (+7,01%)… (Năm 2021, khu vực có 2 địa phương trong Top 5 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước là: Gia Lai 9,71%; Ninh Thuận 9%… cả nước tăng 2,58%).
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, sự phối hợp chia sẻ thông tin về công tác quản lý Nhà nước, hợp tác phát triển sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại, kết nối giao thương hàng hoá được duy trì thường xuyên và có hiệu quả đã đóng góp tích cực vào các thành tựu của ngành Công Thương trong thời gian qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của các địa phương vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, nhất là về pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện hoạt động liên kết vùng, kết nối không gian phát triển. Những hạn chế này, không chỉ là vấn đề của riêng ngành Công Thương, mà là vấn đề chung của cả nước.
Tại Hội nghị lần này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các đại biểu chủ động, tích cực đóng góp ý kiến cho Báo cáo của ngành Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên; đồng thời tập trung thảo luận, trao đổi những kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các Sở, ngành ở địa phương, qua đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.
Phấn đấu đạt các chỉ tiêu công nghiệp – thương mại
Báo cáo kết quả hoạt động của ngành Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên, ông Võ Đình Vinh – Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận cho biết: Mặc dù, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do các đợt dịch Covid-19 bùng phát với những biến chủng mới; sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, biến đổi khí hậu, thiên tai và xu hướng bảo hộ, xung đột thương mại tiếp tục gia tăng đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế, thương mại và đầu tư của thế giới, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp của khu vực vẫn duy trì ở mức tăng trưởng khá. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng.
Hoạt động thương mại phục hồi tăng trưởng tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khu vực miền Trung – Tây Nguyên 6 tháng đầu năm 2022 tăng 14,9%, cao hơn cả nước (11,7%); Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng toàn khu vực tăng trưởng cao (+28,2%); Các tỉnh trong khu vực tăng cường tổ chức kết nối cung cầu, Hội chợ, phiên chợ, thực hiện tốt các giải pháp nhằm kích thích tiêu thụ tại thị trường nội địa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, giải phóng hàng tồn kho. Phối hợp Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa ổn định thị trường trong từng địa phương và khu vực.
Các tỉnh, thành phố trong khu vực đã quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, hệ thống kho tàng, bến cảng… đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng mặt bằng phát triển sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.
Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Công Thương được chú trọng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã chủ động triển khai kịp thời các chương trình, kế hoạch của Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố. Tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều thủ tục hành chính được rút ngắn, giảm thiểu thời gian cho người dân và doanh nghiệp.
Ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tập trung đẩy nhanh tái cơ cấu các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư… để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với bối cảnh mới của đất nước, trong khu vực và toàn cầu. Quyết liệt thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; Đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa và phát triển thương hiệu Việt; phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng chống tham nhũng; lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trên cơ sở dự báo kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm và tình hình thực tế, để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2022, ngành Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên phấn đấu trong 6 tháng cuối năm đạt được các chỉ tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng bình quân chung của cả nước.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu 6 tháng cuối năm đạt 355.169,9 tỷ đồng, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm đạt 826.242,5 tỷ đồng, tăng 11,62% so với năm 2021, xấp xỉ bằng 100% kế hoạch năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu phấn đấu 6 tháng cuối năm đạt 6,03 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 14.412,2 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ và tăng 25,8% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu phấn đấu 6 tháng cuối năm đạt 4.794,9 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu cả năm đạt 10.643,6 tỷ USD, giảm 8,9% so cùng kỳ và tăng 10,1% kế hoạch.
Lắng nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của ngành Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên để đạt được những kết quả hết sức quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội của khu vực trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022. Đồng thời, Thứ trưởng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Sản xuất công nghiệp của một số tỉnh, thành phố trong khu vực chậm phục hồi, tăng trưởng còn thấp, thiếu tính bền vững, khả năng cạnh tranh còn hạn chế; Công tác xây dựng quy hoạch ngành còn gặp nhiều khó khăn…
Theo đó, để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2022, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021- 2025 và thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, 02 và Chương trình phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức triển khai hiệu quả sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu, kết nối tiêu thụ hàng hóa… Cùng với đó, tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả; đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất; thực hiện các chương trình, hoạt động của ngành Công Thương đang triển khai hỗ trợ các địa phương trên cả nước…
Khu vực miền Trung – Tây Nguyên có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú về rừng, núi, biển, đảo, vịnh nước sâu, đất đai, di sản văn hóa, di tích lịch sử… Đây là những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế với các ngành công nghiệp chủ lực như: lọc hóa dầu, thủy điện, điện gió, điện mặt trời, công nghiệp đóng tàu; công nghiệp cơ khí, sản xuất thiết bị điện, điện tử, công nghiệp hỗ trợ; chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng…
Khu vực Miền Trung – Tây Nguyên gồm 15 tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Tổng diện tích tự nhiên toàn khu vực là 108.907,6 km2, chiếm hơn 32,8% diện tích của cả nước, bao gồm vùng ven biển một phần Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với tổng chiều dài bờ biển hơn 1.456 km. Dân số của khu vực trên 16,8 triệu người, chiếm hơn 17% dân số cả nước.