Theo nhận định của Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại cuộc họp bàn về các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động, sau hơn một tháng kết thúc giãn cách xã hội, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả. Báo cáo cho thấy, khoảng 70 đến 75% số doanh nghiệp và người lao động quay trở lại làm việc, đặc biệt có những địa phương đạt tỷ lệ hơn 90%…
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất nhưng cũng đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng tay nghề. Tình trạng này có thể làm gia tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, đòi hỏi phải có giải pháp thu hút lao động trở lại làm việc, đi đôi với việc đào tạo lại lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Thu hút người lao động trở lại làm việc
Theo báo cáo của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 30/10, số lượng doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất quay trở lại hoạt động là 1.430/1.500 doanh nghiệp, chiếm 95,33%, với số lao động làm việc là 256.356 người, chiếm 76,3% so với thời điểm trước đợt bùng phát dịch Covid-19. Theo đánh giá của đại diện Ban quản lý, do các doanh nghiệp đang phải thích ứng từng bước theo bộ tiêu chí sản xuất an toàn của thành phố, các nhà máy, xí nghiệp vẫn chưa trở lại sản xuất 100% mà phổ biến mới đạt tỷ lệ 50 đến 70%.
Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh Đỗ Minh Sự cho biết, trong đợt dịch, hơn hai triệu người lao động bị ngừng việc và giảm việc làm cho nên tỷ lệ lao động tham gia sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giảm xuống còn khoảng 55%, làm đình trệ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố ở phạm vi tương đối lớn. Ngay sau khi chấm dứt giãn cách, ngành lao động – thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh thống kê có hơn 60% số doanh nghiệp bắt đầu khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hơn 100 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 9.000 lao động, đa dạng các ngành nghề. Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có nhu cầu tuyển dụng lớn để đáp ứng nguồn sản lượng cho ba tháng cuối năm 2021.
Dự báo trong quý IV/2021, thành phố cần khoảng 60.000 lao động, và đến quý I/2022 cần khoảng 60.000 đến 75.000 lao động, tập trung khoảng 95% số doanh nghiệp ngoài nhà nước; 4% số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; trong lĩnh vực thương mại điện tử khoảng 78%. Các ngành, nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động là may mặc, da giày, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo, điện tử, bao bì, giao thông vận tải. Để thị trường lao động có thể phục hồi theo lộ trình dự kiến, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đang tích cực phối hợp Ban quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp thành phố và Ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố nắm bắt nhu cầu lao động trong các doanh nghiệp. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành đoàn triển khai nhiều hoạt động kết nối cung – cầu lao động…
Tại Bình Dương, toàn tỉnh hiện có hơn 4.500 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động sản xuất theo phương án “Ba tại chỗ”, “Một cung đường hai địa điểm”, “Ba xanh” với tổng số lao động làm việc hơn 724 nghìn người. Với cơ chế thông thoáng, thuận lợi về đăng ký phương án hoạt động sản xuất, về đi lại của người lao động, dự kiến trong thời gian tới (giữa tháng 11), số doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hơn 80% (khoảng hơn 1,059 triệu lao động sẽ trở lại làm việc). Để phục hồi thị trường lao động, Bình Dương đang tích cực triển khai các giải pháp như: tiếp tục rà soát, nắm tình hình người dân, người lao động thật sự khó khăn, cần trợ giúp do ảnh hưởng dịch Covid-19 để có chính sách hỗ trợ bổ sung nhằm ổn định cuộc sống; đẩy nhanh tổ chức tiêm vắc-xin; kết nối cung – cầu lao động thông qua tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối thông qua các ứng dụng trực tuyến: Zalo, web… cung cấp thông tin tuyển dụng đến cấp xã, phường…
“Đào tạo lại” – bám sát nhu cầu doanh nghiệp
Về các giải pháp đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội, Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng cho biết, để giải bài toán nhân lực, góp phần bảo đảm hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động của các doanh nghiệp, cần phải tập trung vào một số giải pháp chính. Trong đó, tăng cường đào tạo nghề cung ứng cho doanh nghiệp góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại người lao động đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo Quyết định số 1446/QĐ-TTg…
Đặc biệt, nguồn kinh phí dự kiến khoảng 4.500 tỷ đồng được trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ để hỗ trợ cho người sử dụng lao động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề được xem là “cơ hội” lớn cho công tác đào tạo lại người lao động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, theo tổng hợp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến tháng 10, mới có 20 đơn vị được bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố xác nhận đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp, đủ điều kiện để xây dựng phương án đào tạo cho người lao động.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Đỗ Năng Khánh chia sẻ, chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động đã thực hiện được hơn bốn tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cả nước mới có hơn 1.000 lao động được đào tạo với bảy doanh nghiệp được hỗ trợ. Đây là con số thấp so với thực tế nhu cầu của doanh nghiệp, người lao động. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi chưa chủ động phối hợp người sử dụng lao động trong xây dựng phương án đào tạo, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị hỗ trợ và tổ chức đào tạo…
Các trường nghề sẵn sàng hỗ trợ người lao động
Bên cạnh việc đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ thu hút người lao động quay trở lại làm việc tại các địa phương trọng điểm bằng việc hỗ trợ kinh phí thuê nhà, chi phí vận chuyển, chi phí xét nghiệm tầm soát Covid-19; chỉ đạo các tỉnh, thành phố bị đại dịch hỗ trợ ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đủ hai mũi cho những người lao động… Vụ trưởng Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) Vũ Xuân Hùng cho biết, các trường nghề hoàn toàn có thể cung cấp nguồn lao động cấp tốc, kịp thời cho doanh nghiệp trong thời điểm này.
Hiện, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xây dựng hai phương án đào tạo. Phương án 1 là đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khoảng 500.000 học sinh, sinh viên có kiến thức cơ bản (năm 1, năm 2) và 500.000 học sinh, sinh viên thành thạo (năm 2 hoặc năm 3), có thể tham gia ngay được vào thị trường lao động nếu doanh nghiệp có nhu cầu. Riêng khu vực trọng điểm Đông Nam Bộ có khoảng gần 200.000 học sinh, sinh viên sẵn sàng tham gia cùng doanh nghiệp để thực hiện sản xuất, 80.000 sinh viên các nhóm ngành nghề công nghệ kỹ thuật cơ khí, điện, điện tử viễn thông, xây dựng… đang học năm cuối có nhu cầu thực tập tốt nghiệp, cũng có thể trở thành lao động của doanh nghiệp. Phương án 2 là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển sinh học sinh, sinh viên sẽ vừa học vừa làm tại doanh nghiệp để vừa bảo đảm nâng cao tay nghề vừa giúp doanh nghiệp có lao động hỗ trợ. Cả hai phương án có thể huy động được học sinh, sinh viên tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 đang cần người lao động, cũng như bảo đảm được mục tiêu nâng cao tay nghề cho học sinh, sinh viên. Tăng cường sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội.