Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Thúy
Xác định tạo môi trường kinh doanh thuận lợi giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển, đồng thời tạo sức thu hút thêm các nhà đầu tư mới về địa phương, tạo thêm việc làm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, thời gian qua tỉnh đã không ngừng chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Toàn cảnh Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản). Ảnh: Viết Dư
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương triển khai, thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ và các Chương trình hành động, kế hoạch của tỉnh về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là việc thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư. Tỉnh đặt ra mục tiêu tập trung tháo gỡ trong thời gian sớm nhất những vướng mắc (thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh) nảy sinh liên quan đến thủ tục đầu tư, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, vấn đề giải phóng mặt bằng… thông qua việc gia tăng các cuộc đối thoại trực tiếp giữa các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương với doanh nghiệp dưới sự chủ trì của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.
Quyết liệt chỉ đạo thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với hoàn thiện hạ tầng nền tảng Chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định “ba không” (không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp) là rào cản gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế – xã hội, giảm gánh nặng về thời gian, chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Tại bộ phận hành chính một cửa của UBND các cấp, các sở, ngành và trên Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị đã chủ động công bố, công khai các bộ TTHC tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền và người dân giám sát việc thực thi; thường xuyên rà soát để bổ sung, thay thế, sửa đổi, cập nhật những quy định mới. Đến nay, tỉnh Nam Định là một trong 8 địa phương đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành việc kết nối Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng cung cấp dịch vụ công quốc gia; 1.229/1.699 TTHC mức độ 3, mức độ 4 đã được tích hợp lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; 100% các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. 10/10 đơn vị hành chính cấp huyện đã thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC trên Cổng dịch vụ công; trên 99% số hồ sơ TTHC được xử lý qua Cổng dịch vụ công đúng hạn. Đặc biệt, tỉnh đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp làm đầu mối với 17/17 cơ quan chuyên môn của tỉnh áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, tập trung thực hiện các hoạt động giúp đỡ, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh và giải quyết các TTHC một cách nhanh chóng.
UBND tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ các thành phần kinh tế, như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là những doanh nghiệp khởi sự, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể để gia nhập thị trường, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường và sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020, UBND tỉnh đã hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để phát triển kết cấu hạ tầng cho 127 HTX nông nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ trên 74,2 tỷ đồng để xây dựng trụ sở, nhà kho, cửa hàng kinh doanh vật tư, cơ sở thu mua, chế biến bảo quản tiêu thụ sản phẩm; góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX và các hộ thành viên.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thẩm định các Quy hoạch vùng liên huyện đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070; điều chỉnh Quy hoạch phân khu hai bên Đại lộ Thiên Trường, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050… để làm cơ sở xúc tiến, thu hút đầu tư. Tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội trọng điểm thúc đẩy sự phát triển như: các KCN Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận, Bảo Minh; các CCN: Giao Thiện, Thịnh Lâm, Thanh Côi, Yên Bằng; đầu tư xây dựng các dự án phát triển giao thông quan trọng như các tuyến tỉnh lộ 484, 490, tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng đoạn qua tỉnh…
Những nỗ lực của tỉnh đã được các doanh nghiệp ghi nhận, trực tiếp đưa ra những đánh giá tích cực trong các bảng điều tra, thăm dò xã hội. Năm 2021, tỉnh tăng 7 bậc so với năm 2020 trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), đứng thứ 40/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 24/63, tăng 16 bậc so với năm 2020 về Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh năm 2021, nằm ở nhóm khá của cả nước. Trong đó các doanh nghiệp đánh giá tỉnh chuyển biến cao so với năm 2020 ở các chỉ số: tiếp cận đất đai (xếp thứ 1/63), tăng 31 bậc; chỉ số chi phí thời gian xếp thứ 11/63, tăng 45 bậc; chỉ số chi phí không chính thức xếp thứ 11/63, tăng 31 bậc; chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự xếp thứ 6/63, tăng 16 bậc; chỉ số tính năng động xếp thứ 39/63, tăng 7 bậc; chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp xếp thứ 29/63, tăng 13 bậc. Niềm tin vào môi trường kinh doanh của tỉnh được thể hiện rõ nét qua xu hướng tăng khá mạnh của cả hai dòng vốn FDI và dòng vốn trong nước từ phía các nhà đầu tư lớn. Từ 2021 đến nay, trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 song tỉnh Nam Định tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư. Riêng năm 2021, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh đạt trên 90% mục tiêu tổng vốn thu hút đầu tư cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết chuyên đề toàn khóa số 04-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Tỉnh ủy; số vốn đăng ký đầu tư trong nước gấp trên 4,5 lần của cả giai đoạn 2016-2020, lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó, có thể kể đến loạt 3 dự án lớn do Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh lên tới 98 nghìn tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Mỹ Thuận 1.621 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 24 dự án với tổng số vốn đăng ký 29.509 tỷ đồng và 9,72 triệu USD, bao gồm 21 dự án đầu tư trong nước và 3 dự án FDI.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp, cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tỉnh hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ các FTA cũng như nhiều hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả đào tạo của các trường nghề, tăng cường liên kết chặt chẽ giữa các khâu đào tạo, giới thiệu việc làm và doanh nghiệp tuyển dụng. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp về tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh, nhất là các nhà đầu tư lớn đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các Tập đoàn lớn trong nước; các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo nguồn thu ngân sách lớn, các dự án trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại dịch vụ, hạ tầng đô thị, nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp./.
Theo Báo Nam Định