Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, doanh nghiệp  thủy sản tỏ ra vô cùng quan ngại trước các quy định mới về việc yêu cầu các nhà máy chế chế biến thủy sản có lưu lượng xả nước thải ra môi trường từ 200 m3/ngày trở lên phải lắp hệ thống quan trắc tự động nước thải.

Quy định này của dự thảo, không chỉ khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí lên tới hành tỷ đồng lắp đặt mà còn tạo gánh nặng cho doanh nghiệp phải thêm chi phí vận hành từ 40-50 triệu đồng/kỳ quan trắc. Chưa kể, hệ thống quan trắc tự động nước thải không có tác dụng để quản lý mức độ ô nhiễm do kết quả quan trắc không chính xác, khiến doanh nghiệp luôn đứng trước nguy cơ bị phạt dù thực hiện sản xuất không đe dọa hay gây ảnh hưởng đến môi trường.

Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 được cho là tạo gánh nặng cho doanh nghiệp thủy sản khi yêu cầu các nhà máy chế biến thủy sản có lưu lượng xả nước thải ra môi trường từ 200 m3/ngày trở lên phải lắp hệ thống quan trắc tự động nước thải – Ảnh: VASEP

Bên cạnh mối đe dọa tiềm ẩn đã nêu, thủ tục cấp Giấy phép môi trường cũng được các Hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng, còn phức tạp, trùng lắp khi một số điều kiện bất hợp lý trái với các Nghị quyết của Chính phủ.

Cụ thể, trước đây, chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và xin cấp Giấy phép môi trường (GPMT), thế nhưng, với quy định mới tại dự thảo thì các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II kể cả đã hoạt động cũng phải làm ĐTM và xin cấp GPMT.

Điều này làm gia tăng thủ tục hành chính do hồ sơ cấp phép và quy trình cấp phép rất phức tạp, trùng lắp, nhưng lại không có hiệu quả, khi Luật Bảo vệ môi trường quy định hồ sơ xin cấp GPMT gồm 3 mục. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định vẫn gồm 3 mục lớn, nhưng trong các mục lại chia ra đến 15 mục nhỏ khiến hồ sơ phải thêm nhiều thủ tục phức tạp như tại Mục 2 có 10 mục nhỏ thì 9 mục đã nộp trong hồ sơ xin duyệt ĐTM chưa kể nhiều mục trùng lắp khác.

Hay như quy định trong Điều 27-29 của dự thảo Nghị định, phần lớn doanh nghiệp sẽ phải trải qua 2 lần thẩm định + 2 lần kiểm tra thực địa (thẩm định & kiểm tra thực địa ĐTM + thẩm định và kiểm tra thực địa khi cấp GPMT). Đồng thời, Điều 29 cũng không quy định rõ thời gian kiểm tra hồ sơ, thời gian thẩm định và kiểm tra thực địa khi cấp phép.

Cũng theo các hiệp hội, doanh nghiệp, quy trình cấp phép không hiệu quả để bảo vệ môi trường do chỉ là tiền kiểm: Việc tiền kiểm (lấy mẫu kiểm tra các công trình xử lý chất thải khi còn chưa vận hành thử nghiệm thì làm sao có kết quả chính xác) rõ ràng là không có hiệu quả. Hơn nữa, chỉ cấp phép tiền kiểm mà không hậu kiểm thì không thể phát hiện được các vi phạm, như trường hợp Forrmosa trước đó.

Ngoài ra, Điều 30 khoản 3c quy định phải đánh giá hiệu quả xử lý của các công trình xử lý chất thải trước khi cấp GPMT với các công trình xây dựng như cầu, đường… vốn không có các công trình xử lý chất thải thì làm sao cấp được GPMT?

Cùng với đó, thủ tục cấp GPMT điều chỉnh hay cấp lại (Điều 33) cũng được cho rất phức tạp khi báo cáo đề xuất cấp điều chỉnh, cấp lại dài 100% như cấp mới. Có những quy định nằm ngoài Luật Bảo vệ môi trường như các điểm b, c, d chỉ bổ sung ngành nghề thu hút đầu tư nhưng vẫn phải cấp lại và làm báo cáo ĐTM ngay cả khi không làm tăng tác động xấu đến môi trường.

Các Hiệp hội và doanh nghiệp cho rằng điều này đi ngược lại với Nghị quyết 68/2020/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ: “Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định…. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh… ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.”. Việc kiểm tra thực địa 2 lần trong quá trình cấp phép cũng không phù hợp với Nghị quyết 19/2018/NQ-CP của Chính phủ chỉ đạo “chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm”.

Liên quan đến cấp Giấy phép môi trường, tại trả lời Công văn số 3634/BTNMT-TCMT ngày 02/7/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, Điều 28 Dự thảo quy định về nội dung của Báo cáo đề xuất cấp Giấy phép môi trường. Tuy nhiên, các nội dung trên là quá dài và trùng lặp với các nội dung đã được phê duyệt trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Do vậy, để giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát và loại bỏ các nội dung đã được phê duyệt trong các thủ tục trước đó.

Thông tin với báo chí PGS.TS. Phùng Chí Sỹ – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng cho rằng, nội dung của hồ sơ cấp GPMT nên tập trung vào các công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, còn các nội dung khác liên quan như sự phù hợp với quy hoạch, ngành nghề, công nghệ sản xuất, tham vấn cộng đồng… đã được xem xét trong quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM (đối với dự án nhóm I, nhóm II phải trình thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM) và thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định đầu tư, cấp phép khai thác khoáng sản (đối với dự án nhóm III không phải trình thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM).

Theo Diendandoanhnghiep