Không đơn thuần và bị giới hạn trong một chủ đề của cuộc hội thảo. Lâm Đồng Province – The Land of Kindness (Lâm Đồng – Vùng đất an lành) được nhấn mạnh như là một thương hiệu, một lời khẳng định trong việc giới thiệu và thúc đẩy các mặt hàng, sản phẩm thế mạnh của vùng đất này với các bạn hàng của thị trường Singapore và Malaysia, đặc biệt là trong bối cảnh hiện tại.
Bài 1: Mang thế mạnh để chào mời
Được tổ chức bởi Vụ Thị trường Châu Á Châu Phi (Bộ Công thương), Sở Công thương Lâm Đồng, Tham tán Thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và Singapore cũng như đại diện của Công ty Rakan Asia (công ty hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử); Công ty Winner Greenland (công ty lớn nhất được phép nhập khẩu và buôn bán các sản phẩm nông sản Việt nam tại Malaysia) và quản lý của Sàn Giao dịch Singapore, Hội thảo trực tuyến với chủ đề Lâm Đồng Province – The Land of Kindness như một vòng tròn kết nối, xóa bỏ đi những rào cản đem đến nhiều cơ hội cho nông sản Lâm Đồng đến với hai thị trường tương đối “khó tính” là Singapore và Malaysia. Ngược lại, đây cũng là thời điểm để những nhà đầu tư của hai nước nói trên có thể tìm thấy một vùng nguyên liệu an toàn về chất lượng sản phẩm, phong phú về chủng loại nông sản để tìm kiếm cơ hội kết nối đầu tư sau đại dịch Covid-19.
Có cả những khó khăn, thách thức cũng như thuận lợi. Bởi Singapore là một trong những thị trường đòi hỏi khắt khe nhất trên thế giới về chất lượng sản phẩm hàng hóa; còn Malaysia lại là thị trường đòi hỏi phải có chứng nhận Halal (thức ăn và đồ uống “được phép” theo Luật Hồi Giáo). Không những thế, Malaysia và Singapore cũng là hai nước không giới hạn khu vực hay quốc gia để nhập khẩu, nên sức cạnh tranh là rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, vẫn có những thuận lợi nhất định cho doanh nghiệp Lâm Đồng đang sản xuất và chế biến nông sản có được cơ hội trở thành bạn hàng tin cậy của hai thị trường này. Đó là sự gần gũi về văn hóa, về địa lý, về khoảng cách thời gian vận chuyển và đặc biệt là sự tương đồng không có nhiều cách biệt về ẩm thực.
Với những người dân địa phương hoặc nhiều vùng miền của Việt Nam, Lâm Đồng là vùng đất nổi tiếng với nhiều loại đặc sản nông nghiệp. Nơi đây, là vùng cung cấp chè, cà phê lớn nhất, nhì Việt Nam, đồng thời cũng là vùng canh tác rau, hoa và các loài cây đặc hữu có tiếng khác với diện tích lớn nhất của khu vực phía Nam. Không những thế, với kiểu khí hậu ôn đới và cảnh quan đặc thù, TP Đà Lạt (thủ phủ của Lâm Đồng) còn là điểm đến thu hút mọi bước chân của du khách trong và ngoài nước. Chưa nhiều, nhưng ở thời điểm hiện tại, một số sản phẩm có xuất xứ từ Đà Lạt – Lâm Đồng cũng đã được xuất khẩu trực tiếp đến thị trường Malaysia và Singapore.
Một trong những thay đổi lớn nhất theo chiều hướng tích cực của Lâm Đồng trong những năm vừa qua chính là hạ tầng giao thông. Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cũng như mở rộng những cung đường quan trọng đã giúp cho Lâm Đồng kết nối được đến nhiều điểm mối quan trọng của khu vực phía Nam và các trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước. Đường bộ nối liền trực tiếp với Đông Nam Bộ, các tỉnh Tây Nguyên và cả khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. Điều này đã giúp cho Lâm Đồng chỉ còn cách cảng Cam Ranh 100 km; cảng Thị Vải, cảng Cái Mép (Bình Dương) và cảng Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) 300 km. Cảng hàng không Quốc tế Liên Khương cũng là điểm đến của nhiều hãng bay thương mại trong nước với nhiều điểm đến khác nhau trong và ngoài nước.
Theo ông Bùi Thế – Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng: “Lâm Đồng luôn sẵn lòng rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, những doanh nhân Singapore, Malaysia đến tìm kiếm cơ hội và hợp tác giao thương. Ngành công thương Lâm Đồng cũng mong muốn thiết lập mối quan hệ bền chặt với các đối tác của hai nước Singapore, Malaysia, qua đó trở thành địa phương cung cấp các mặt hàng nông sản – thực phẩm chế biến an toàn, chất lượng cho các kênh phân phối chính của hai nước”.
Trong lộ trình phát triển của mình, Lâm Đồng cũng là địa phương luôn mong muốn nhu cầu kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, nhà ở công nhân. Đặc biệt, là xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến nông sản mà Lâm Đồng có thế mạnh (với vùng nguyên liệu dồi dào và lực lượng lao động trẻ có trình độ) như rau, củ quả, chè, cà phê, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng và dệt may…
Không dừng lại ở đó, hiện tại, Lâm Đồng cũng đang cần có những nhu cầu hợp tác về thương mại như tìm kiếm nhà nhập khẩu, phân phối tại Singapore và Malaysia. Tìm kiếm đối tác để hợp tác liên doanh cùng kinh doanh, vận hành, quản lý, đầu tư cho dự án doanh nghiệp tại Việt Nam; tìm kiếm nhà cung cấp giải pháp công nghệ, vốn, giống cây trồng, giống vật nuôi, giải pháp bảo quản, giải pháp chế biến. Ngoài ra, các nhu cầu về hợp tác thương mại khác như nhượng quyền, cấp phép, mua bán sáp nhập, nghiên cứu triển khai cũng được Lâm Đồng đặc biệt quan tâm.
Ông Bùi Thế – Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng khẳng định: “Lâm Đồng là địa phương đứng đầu cả nước về sản xuất chè, rau, hoa chất lượng cao; đứng thứ hai về sản xuất cà phê; chiếm tỷ trọng đáng kể về các sản phẩm như dâu tằm tơ, hạt điều. Lâm Đồng cũng là nơi có thị trường hàng hóa ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường, sản xuất công nghiệp phát triển theo đúng định hướng, tập trung triển khai các ngành nghề có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông sản”.
Theo bà Đỗ Phương Dung – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công thương) thì nông sản Lâm Đồng hoàn toàn có lợi thế khi xâm nhập thị trường Singapore và Malaysia với các mặt hàng tiềm năng như rau, quả (chanh leo, quả bơ, dứa, hạt điều, trà và cà phê), cũng như các mặt hàng thực phẩm chế biến như sữa, nước ép trái cây; thực phẩm thay thế (thịt từ thực vật, đồ chay); thực phẩm chức năng (trà thảo dược, thuốc bắc); thức ăn chế biến sẵn (đồ hộp, đóng gói, đồ ăn liền) và nhóm nguyên liệu trung gian để chế biến sâu thực phẩm (bột ớt, bột bắp, bột mì) cùng với đó là nhóm sản phẩm có chứng chỉ Halal (thực phẩm và đồ uống “được phép” theo Luật Hồi giáo).
Bài 2: Thị trường Singapore – Khó nhưng không phải không thể
Dù là thị trường không hạn chế quốc gia và vùng lãnh thổ để nhập khẩu, nhưng điều mà Singapore quan tâm là chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, theo bà Đỗ Phương Dung – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công thương), không phải Lâm Đồng không có những cơ hội, triển vọng để tìm kiếm đầu tư, hợp tác thương mại tại đất nước này, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất chế biến mà Lâm Đồng đang có nhu cầu.
Theo TS. Trần Thu Quỳnh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore, Từ năm 2016 đến 2020, Singapore nhập khẩu nông sản của Việt Nam chủ yếu các mặt hàng như rau củ, trái cây, hạt trái cây rau và các bộ phận khác của cây, cây cảnh, cây hoa cắt cành và lá cũng như gạo và ngũ cốc. Tất cả các mặt hàng trên đều tăng theo hàng năm và hiện tại rơi vào khoảng 124 triệu USD Singapore (SGD). Nếu tính cả lĩnh vực thủy sản và công nghiệp chế biến khác là 269 triệu SGD mỗi năm. Nhưng cũng theo bà Quỳnh thì con số này khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore, thực sự chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam cũng như nhu cầu thực tế của Singapore.
Ở chiều ngược lại, có một nghịch lý không mấy dễ chịu, hàng năm, Việt Nam đều phải nhập lại thực phẩm chế biến của Singapore lên tới hơn 400 triệu SGD. Bài toán cho Việt Nam nói chung và cho cả những vùng có tiềm năng như Lâm Đồng nói riêng đó là làm cách nào để nâng cao giá trị nông sản, bởi chúng ta vẫn là nước phải xuất thô, nhập tinh và đáng buồn là lại nhập các mặt hàng chế biến từ Singapore, một đất nước không hề có nông nghiệp.
Cũng tính từ 2016 đến nay, đã có 5 loại trái cây mới của Việt Nam được thị trường Singapore chấp nhận, bao gồm: Vải thiều, ổi (xanh và đỏ), chanh leo, chuối, hồng xiêm (mãng cầu xiêm). Tỉnh tổng tất cả các loại trái cây Việt Nam đã có mặt tại Singapore về giá trị nhập thì vải thiều đứng đầu, sau đó đến thanh long, dừa xiêm, chanh và ớt các loại. Lượng rau Việt Nam xuất sang Singapore hiện tại cũng chỉ chiếm 5% trong tổng số mặt hàng này Singapore nhập khẩu từ các nước trên thế giới.
Việt Nam là 1 trong 4 nước khu vực Đông Nam Á (cùng với Thái Lan, Indonesia, Malaysia) xuất khẩu nông sản đến thị trường Singapore. Tuy nhiên, do chính sách của Singapore chỉ quan tâm đến chất lượng, không hạn chế đến khoảng cách địa lý, vì thế, các nước có nền nông nghiệp phát triển tiên tiến như Mỹ, Australia, Hà Lan, Braxin mới là những quốc gia có mặt hàng nông sản được Singapore nhập khẩu nhiều nhất với đa dạng các mặt hàng. Trong khi Việt Nam mới chỉ xuất sang Singapore chủ yếu là gạo, thủy sản, trái cây và một số lượng nhỏ rau, củ, quả. Riêng đối với các thực phẩm chế biến như thịt, trứng, sữa và các loại thực phẩm cao cấp khác chúng ta vẫn chưa thâm nhập và được chấp nhận.
Hầu hết các hàng hóa nhập khẩu tại Singapore đều được miễn thuế nhập khẩu trừ 6 dòng thuế liên quan đến rượu bia và các mặt hàng có tác động đến thần kinh. Việc quản lý nhập khẩu được thực hiện theo tiêu chí nhất quán là lý do sức khỏe, an ninh và môi trường. Để xuất và nhập, cần có đối tác là công ty có trụ sở tại Singapore đóng vai trò nhập khẩu và phân phối, công ty này sẽ thực hiện tất cả các thủ tục nhập khẩu và khai báo hải quan. Việc nhập khẩu cũng tương đối dễ dàng ở thủ tục hành chính với giấy phép nhanh, kho hàng có sẵn. Chính vì những lý do đó, cùng với việc không hạn chế đối tác và sản phẩm nên hiện tại Singapore có khoảng 150 quốc gia là bạn hàng, chỉ tính riêng trong lĩnh vực nhập khẩu nông sản.
Riêng với chứng từ nhập khẩu, phía Singapore cũng chỉ yêu cầu cần phải có hợp đồng, hóa đơn thương mại, vận đơn, giấy phép nhập khẩu và các chứng từ liên quan, như hàng thực phẩm phải có giấy phép của Cơ quan thực phẩm Singapore (SFA); chứng nhận xuất xứ nếu muốn hưởng ưu đãi thuế quan (riêng thực phẩm chiếu xạ phải có chứng từ bổ sung); kiểm tra hàng hóa không bắt buộc thường do SFA kiểm tra xác xuất hoặc do thông tin trình báo. Các mặt hàng như trứng, sữa, gạo, thực phẩm, rau quả thì có các quy định riêng (tìm hiểu tại http://vntradesg.org/en/home/).
Riêng với các mặt hàng mà Lâm Đồng có thế mạnh như rau, củ, quả tươi và trái cây (kể cả hoa tươi) chỉ có thể nhập khẩu sau khi có sự cho phép của SFA. Căn cứ theo Luật Quản lý về thực vật, trái cây tươi và rau quả nhập khẩu của đất nước này thì hàng hóa không được chứa bất kỳ loại thuốc trừ sâu bị cấm hoặc mức độ dư lượng thuốc trừ sâu (được phép sử dụng) và dư lượng hóa chất độc hại vượt quá mức độ quy định tại Biểu thứ Chín của Luật Thực phẩm hoặc khuyến nghị của FAO/WHO. Mỗi thùng hàng phải được dán nhãn với nội dung sau đây: Tên và địa chỉ của nhà sản xuất; mô tả của sản phẩm. Tất cả các loại rau, quả tươi nhập khẩu đều phải chịu sự kiểm tra của SFA, cơ quan này sẽ lấy mẫu xác xuất và tiến hành kiểm dịch tại phòng thí nghiệm sau đó mới được phép thông quan.Ở lĩnh vực thực phẩm chế biến, SFA cũng là cơ quan có thẩm quyền cho phép. Doanh nghiệp nhập khẩu phải đảm bảo và cung cấp được giấy tờ chứng minh rằng các sản phẩm nhập khẩu được sản xuất tại cơ sở dưới sự giám sát thích hợp của cơ quan thực phẩm có thẩm quyền tại nước sở tại; trong đó, có một chương trình được SFA chấp nhận. Riêng các sản phẩm có độ rủi ro cao như đồ uống thì doanh nghiệp phải cung cấp giấy chứng nhận y tế (HSA); kiểm tra lấy mẫu, sau đó đạt tiêu chuẩn mới cho phép tiêu thụ và có thực hiện giám sát sản phẩm sau khi tiêu thị trên thị trường.
Về quy trình nhập khẩu tại Singapore, thủ tục hành chính đơn giản, nhưng nhà chức trách lại yêu cầu phải tuân thủ rất nghiêm ngặt các thành phần nguyên liệu phải được phép sử dụng tại Singapore, sau đó sẽ là các chứng chỉ: ISO, HACCP, Halal, FSCC, Organic, FDA, GMP. Họ cũng kiểm tra báo cáo hàm lượng dinh dưỡng phải khớp với nhãn đính kèm sản phẩm; quy định về tem nhãn nhập khẩu (tên, địa chỉ sản xuất/phân phối, quốc gia sản xuất, các thông số dinh dưỡng và logo chứng chỉ, hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất/hết hạn). Tất cả những vấn đề trên đều rất quen thuộc với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên có nhiều chi tiết mà doanh nghiệp Việt Nam lại hay mắc lỗi rất nhỏ dẫn đến trả về, đặc biệt là trong một sản phẩm thực phẩm và đố uống chế biến, đó là ghi hạn sử dụng quá ngắn, trong khi theo quy định của các siêu thị Singapore thì hạn sử dụng tối thiểu phải 12 tháng.
Cũng theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore thì chiến lược thị trường nông sản của Singapore giai đoạn 2020 – 2030 dựa trên 3 vấn đề căn bản chủ yếu, đó là: Đa dạng hóa nhập khẩu (tránh phụ thuộc vào nguồn cung, đặc biệt là thoát Mã (Malaysia), thoát Trung (Trung Quốc) cũng như bị đứt gãy bởi Covid-19); năng lực nội sinh (tăng cường năng lực lương thực nội sinh, đảm bảo cơ chế giảm xóc trong trường hợp bất thường); phát triển nguồn cung nước ngoài (khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp Singapore mở rộng đầu tư trang trại ở nước ngoài).
Cũng theo TS. Trần Thu Quỳnh, qua khảo sát và tìm hiểu thực tế của Thương vụ Việt Nam tại Singapore thì tại Lâm Đồng cũng đã có một số doanh nghiệp đến đầu tư (trồng cây ớt chuông và các loại rau đặc hữu). Với những chính sách trên của Singapore thì Lâm Đồng hoàn toàn là một điểm đến hấp dẫn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư Singapore trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến.
Bài 3: Chứng chỉ Halal và giấy thông hành tới thị trường Malaysia
“Thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng tại Malaysia lại không phải là những vấn đề lớn để khó có thể vượt qua. Chỉ cần các sản phẩm, hàng hóa có chứng chỉ Halal (thức ăn và đồ uống “được phép” theo Luật Hồi giáo) và đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo Đạo luật Thực phẩm Malaysia năm 1983 và Quy định về Thực phẩm năm 1985”, Ông Phạm Quốc Anh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia khẳng định về điều này.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia cho biết: “Malaysia là một nước công nghiệp, nông nghiệp chỉ chiếm 7,1% trong cơ cấu GDP. Nhập khẩu nông sản của nước này cũng tăng trung bình khoảng 6,5% mỗi năm, từ 30 tỷ RM (Ringgit – tiền Malaysia) năm 2010 lên 55,5 tỷ RM vào năm 2020. Malaysia nhập khẩu phần lớn nông sản từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Australia, New Zealand, Mỹ và Việt Nam”.
Malaysia cũng là nước có khả năng tự cung thấp các sản phẩm như: Thịt cừu, thịt bò, gừng, ớt, bắp cải… Trong đó, ớt các loại chiếm tới 72,4%, cải bắp 63,6%; gừng 81,5%; khoai lang 26,3%; chanh 17%; rau diếp 15,5%; dưa leo 9,7% và chuối 8,9%. Mỗi năm, Malaysia đều phải nhập khẩu thịt cừu (hơn 90%); thịt bò (78%); sữa tươi (hơn 53%). Chè, cà phê, ca cao và gia vị nhập khẩu mỗi năm trên 7 tỷ RM; rau, củ, quả 4,8 tỷ RM; trái cây 3,9 tỷ RM; sữa và các sản phẩm từ sữa là 3,8 tỷ RM.
Trước đây, Malaysia nhập khẩu phần lớn các sản phẩm ớt (các loại) từ Việt Nam, đến năm 2018 thì dừng lại vì các sản phẩm ớt của Việt Nam vi phạm quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Vừa qua, ngành Nnng nghiệp Malaysia đã có công văn chính thức với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho phép nhập khẩu trở lại nhưng các sản phẩm phải đảm các tiêu chí GAP.
Cũng theo tìm hiểu, việc thâm nhập vào thị trường Malaysia cần chứng nhận Halal. Mặc dù chứng nhận Halal không phải là bắt buộc đối với tất cả các sản phẩm, nhưng Malaysia là quốc gia mà người Hồi giáo chiếm đa số nên các sản phẩm có chứng chỉ Halal sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường ở đất nước này hơn.
Theo Tham tán Thương mại Phạm Quốc Anh thì Malaysia là một thị trường lớn, với rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Lâm Đồng nói riêng trở thành đối tác. Bởi, Malaysia là quốc gia có 32 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người cao, tầng lớp trung lưu đang phát triển, các nhà bán lẻ và tạp hóa đa quốc gia cũng như doanh nhân địa phương đang trên đà phát triển lớn mạnh, thị trường cởi mở, thông thoáng, yêu cầu về chất lượng hàng hóa lại không quá ngặt nghèo như các thị trường đòi hỏi cao như Nhật, Mỹ, EU. Malaysia cũng là nước gần Việt Nam, thuộc cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), rất thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh thương mại.
Không những thế, Malaysia cũng là thị trường đang có nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm như bột dinh dưỡng, ngũ cốc chức năng, đồ uống dinh dưỡng, sản phẩm protein, vitamin và chất bổ sung; thực phẩm đông lạnh và đồ ăn sẵn, sữa bò, lúa mì, ngô, khoai tây, củ cải, thịt lợn tươi đông lạnh, trái cây và các loại rau. Đặc biệt, là những năm gần đây, các thực phẩm chay có nguồn gốc từ thực vật, đồ uống không có cồn sử dụng nguyên liệu tại địa phương nơi sản xuất đang được thị trường Malaysia đón nhận rất nhiều.
Ông Samsudin Araman – Giám đốc Công ty Winner Greeland (Malaysia) cho rằng: “Lợi thế của hàng hóa nhập khẩu tại Việt Nam đó là lợi nhuận tốt, hương vị sản phẩm phù hợp với thị trường Châu Á. Các sản phẩm trái cây cũng được ưa chuộng tại Malaysia, lịch trình vận chuyển lại ngắn và thuận lợi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có những nhược điểm như chứng từ hỗ trợ các thủ tục hải quan chưa đầy đủ; các chứng từ logistic cơ bản như vận đơn, hóa đơn, danh sách đóng gói chi tiết và chứng nhận xuất xứ; giấy chứng bảo vệ sức khỏe; chứng chỉ kiểm dịch phyto; giấy chứng nhận phân tích và quan trọng là giấy chứng nhận Halal còn thiếu. Đóng gói và dán nhãn sản phẩm cần phải có biểu tượng Halal cho tất cả cả các sản phẩm nhập khẩu. Yêu cầu phải có tiếng Anh và tiếng Bahasa Malaysia”.
Quay lại với vấn đề chứng chỉ Halal, bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore cũng cho rằng: Các doanh nghiệp Lâm Đồng hoàn toàn có thể trở thành đối tác tin cậy của cả Malaysia lẫn Singapore bởi vùng nguyên liệu rộng lớn với những lợi thế được thiên nhiên ưu đãi. Bởi hiện tại, Singapore cũng đang có tham vọng trở thành trung tâm Halal toàn cầu, từ khâu cung ứng nguyên liệu, sản xuất, phân phối. Các doanh nghiệp Lâm Đồng nói riêng có thể hợp tác cung ứng nguyên liệu sản xuất thực phẩm Halal cho Singapore. Hoặc ngược lại, chính quyền Lâm Đồng có thể thu hút, thúc đẩy đầy đầu tư của các doanh nghiệp Singapore có sở hữu chứng chỉ Halal đến Lâm Đồng xây dựng nhà máy hay đặt hàng gia công. Có thể kể đến như thịt bò, thịt cừu, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau củ quả các loại mà Lâm Đồng có thế mạnh.
Bài cuối: Xuất khẩu – Con đường tất yếu của nông sản Lâm Đồng
Để không mãi phải quanh quẩn ở “vườn nhà”, làm giảm đi giá trị (cả vật chất lẫn tinh thần) của chính những người nông dân, hàng hóa nông sản Lâm Đồng cần phải hướng đến mục tiêu xuất khẩu, đó là con đường tất yếu.
Bà Đỗ Phương Dung – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á cho rằng: “Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thay đổi, các doanh nghiệp Lâm Đồng cần phải cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh; quy trình sản xuất, chế biến bài bản, chuyên nghiệp, đúng quy định và bắt nhịp được những chuẩn mực của khu vực, quốc tế. Không những thế, cần phải có bản lĩnh kinh doanh, dám đương đầu với hội nhập để vươn xa, vươn rộng ra các thị trường lớn. Làm được điều đó, các doanh nghiệp Lâm Đồng mới hình thành được các sản phẩm, thương hiệu có uy tín, danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới”.
“Trong quá trình theo dõi hợp tác thương mại song phương với các nước trong khu vực, các doanh nghiệp Lâm Đồng cũng như nhiều doanh nghiệp ở các địa phương khác còn thiếu rất nhiều thông tin về các đối tác thương mại, nhu cầu, thị hiếu, dung lượng thị trường, các chính sách thương mại và quy định xuất nhập khẩu, các cơ hội giao thương”, bà Dung chia sẻ với các doanh nghiệp Lâm Đồng.
Những thông tin được cung cấp từ Vụ Thị trường (Bộ Công thương) và Thương vụ Việt Nam tại Singapore và Malaysia đều cho thấy Lâm Đồng có rất nhiều tiềm năng và triển vọng để hợp tác thương mại. Bởi hai quốc gia trên dù có thị trường lớn, mở nhưng tất cả các mặt hàng của Lâm Đồng đều có tính bổ sung mà không đem đến sự cạnh tranh, thêm vào đó, dư địa của thị trường còn lớn, đặc biệt là ở nhóm hàng thực phẩm nông sản.
Sản phẩm của Đà Lạt – Lâm Đồng cũng dần được biết đến nhiều hơn thông qua con đường giao lưu kinh tế, đầu tư và du lịch; có sự thay đổi ngày càng lớn về chất lượng sản phẩm, giá cả cũng như sự phong phú về chủng loại. Đây chính là cơ hội lớn nhất để nông sản Lâm Đồng có thể vươn xa trong tương lai gần.Ở mức độ lớn hơn, trong khối ASEAN, Việt Nam và Singapore cũng là hai nước đã cùng ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) với Liên minh Châu Âu (EU) và Vương quốc Anh (UK). Singapore cũng là quốc gia quan tâm thúc đẩy các doanh nghiệp tận dụng lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do (nguyên tắc xuất xứ cộng gộp) để xuất khẩu và hợp tác sản xuất. Cụ thể là tiềm năng kết nối sản xuất, hợp tác gia công OEM cho các thương hiệu Singapore, sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam (cụ thể là ở Lâm Đồng) cho Singapore để xuất khẩu đi thị trường các nước thứ 3.
Bà Nguyễn Thi Vinh – Phó Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Hân Vinh (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) cho biết: “Với kinh nghiệm 20 năm sản xuất và chế biến cà phê, xuất khẩu cũng như tiêu thụ ở thị trường trong nước, chúng tôi chỉ mong muốn nâng cao giá trị của hạt cà phê Lâm Đồng, qua đó đề cao giá trị lao động của người nông dân cũng như đem đặc sản cà phê của địa phương ra thị trường quốc tế”.
Mong ước của bà Vinh cũng là mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp Lâm Đồng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa ước mơ đó, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp Lâm Đồng cần phải quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu, chú trọng khâu bảo quản sau thu hoạch, thiết kế bao bì, hướng dẫn sử dụng và chỉ tiêu chất lượng sản phẩm (Halal, ISO, VietGAP, Global GAP), nâng cao chất lượng, giữ gìn uy tín cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.
Ông Vincent Cheong – Giám đốc Công ty Rakan Asia đánh giá rất cao các sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng và nếu như các doanh nghiệp Lâm Đồng cần sự hỗ trợ để có thể tìm đến thị trường Malaysia, Singapore và các nước khác, công ty ông sẵn sàng đón nhận sự hợp tác với sự giúp đỡ tốt nhất có thể.
Còn theo ông Lee Sean Teng – Giám đốc Sàn giao dịch Singapore thì các doanh nghiệp Lâm Đồng muốn vươn xa cần phải xâm nhập thị trường qua thương mại điện tử. Singapore là một đất nước có nhiều sàn giao dịch điện tử cũng như sự sẵn có của các kênh thanh toán điện tử và dịch vụ logistic. Chúng tôi cũng sẵn sàng giúp cho doanh nghiệp Lâm Đồng có thể dễ dàng kết nối với thị trường về hạ tầng pháp lý, quản trị chất lượng, hạ tầng IT, logistic dịch vụ.
Hàng hóa Lâm Đồng cần phải được xuất khẩu. Bởi nó không chỉ thể hiện tính nhân văn và trách nhiệm với môi trường của những người sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng. Điều này còn thể hiện sự quyết tâm vươn lên, nhằm khẳng định thương hiệu nông sản của Lâm Đồng với thị trường quốc tế, qua đó giúp cho giá trị nông sản của mảnh đất này phải từng ngày, từng giờ tương xứng với từng giọt mồ hôi mà người dân nơi đây đã đổ xuống.
Theo Báo Lâm Đồng